Thơ của một thầy giáo toán (VƯƠNG TRỌNG)

bởi Đặng Hấn
26 views

Thơ của một thầy giáo toán

(Tác giả: Vương Trọng)

(Đọc tập thơ “Không gian thương” của Đặng Hấn. NXB. Trẻ 1991)

Ở phần bìa của tập thơ, dưới bức chân dung, tác giả Đặng Hấn tự giới thiệu: “Sinh năm Nhâm Ngọ tại Thái Bình, tốt nghiệp khoa Toán Đại học Tổng Hợp Hà Nội và về công tác tại Viện Toán Học Hà Nội năm Bính Ngọ. Từ năm Mậu Ngọ, làm giảng viên toán Đại học Kinh Tế thành phố Hồ Chí Minh. Vào hội Nhà văn Việt Nam năm Canh Ngọ”. Qua vài lời giới thiệu ngắn ngủi đó, bạn đọc không những hiểu biết về quê quán, tuổi tác, nghề nghiệp của tác giả mà còn biết thêm, dù chưa đầy đủ, tính tình của tác giả: một con người vui tính, thích khôi hài.

Ở nước ta, người vốn học toán, sau chuyển sang làm thơ có khá nhiều và có nhiều người đạt được những thành tựu đáng kể. Nhưng dấu ấn của toán để lại trong thơ thì không một ai sánh được với Đặng Hấn. Dấu ấn ấy không chỉ là sự chặt chẽ trong cấu tứ, sự tiết kiệm ngôn từ mà anh đã đưa những khái niệm toán học vốn rất khô khan đi vào đời thường một cách khá tự nhiên để cho mọi người có thể chấp nhận được chứ không phải chỉ là những người giỏi toán. Tuy nhiên, đối với những người có trình độ toán học nhất định, thì đọc thơ anh lý thú hơn, có khi lĩnh hội một tầng ý nghĩa nữa. Ví dụ như tên tập thơ là “Không gian thương” chẳng hạn, đối với người đọc thông thường thì chỉ cần hiểu đó là một không gian của tình yêu thương, còn đối với những người đã quen với toán học cao cấp thì biết anh muốn nhắc đến không gian gồm những phần tử có dạng A trên B. Nhưng khái niệm toán cao cấp anh dùng không nhiều. Đa số là toán sơ cấp, nói chung mọi người đều hiểu. Anh thích tìm mối liên hệ giữa toán học và tình yêu, có khi anh dùng kí hiệu toán học để cắt nghĩa tình yêu. Anh viết:

Dạy toán mười năm về vợ hỏi
Sao hai số không kết lại hóa dấu vô cùng
Thủ thỉ:
Thì chúng mình cũng vậy
Xa nhau hai đứa khác gì không!

Trong tình yêu vợ chồng, sự chênh lệch tuổi tác của hai người được nhiều người đề cập đến. Một nhà thơ nước ngoài, trong hoàn cảnh này viết đầy bi quan: “Rồi anh đi trước em xa. Và em ở lại, tuổi già không anh”. Còn Đặng Hấn, mượn khái niệm trung bình trong toán học, nói chuyện này hết sức tự nhiên và vui vẻ:

Tuổi con cộng tuổi cha
Chia đôi thành tuổi mẹ
Khen thì khen mẹ trẻ
Chứ ba đâu có già?

Nói về khó khăn trong cuộc sống hàng ngày và ca ngợi sự tần tảo tính toán của vợ, anh cũng mượn toán học mà vui cười, có khi là cái cười ra nước mắt. Đó là cái khôi hài của nhà thơ Tú Xương đời xưa, cộng thêm kiến thức toán học hiện đại. Anh kể chuyện mình đi làm ở phòng máy tính (xin lưu ý đây là phòng máy tính điện tử hiện đại, chứ không phải những chiếc máy tính nhỏ xíu của kế toán) về qua chợ chiều gặp vợ đi mua thức ăn. Vì tiền ít phải tính toán chi li, anh thương vợ, nhưng lại nói khôi hài với những từ ngữ thời khoa học hiện đại:

Thời vi tính, tính chi li
Vài trăm xương, một chút bì có nên?
Thôi thì phần cứng, phần mềm
Bỏ nồi áp suất, qua đêm cũng nhừ!

Bên cạnh những bài đưa khái niệm toán học vào đời thường, người đọc nhiều khi đang đọc tập thơ này bỗng phải dừng lại cười một mình bởi những cái hóm hỉnh trong nhiều bài viết khác. Ví như bài Nói trạng, tôi nghĩ có thể đăng vào báo Tuổi trẻ cười mà phần khôi hài không thua gì những truyện cười chủ chốt khác! Toàn bộ bài thơ nói về sự tự an ủi của người nghèo: Tự xem như mình đã có xe máy loại tốt nhất, nhưng vừa bị kẻ trộm lấy cắp mất. Coi như mình tiết kiệm được rất nhiều tiền, nhưng đã gửi vào quỹ tín dụng Thanh Hương… Nhưng cái khó nhất là không thể coi rau như thịt hoặc khoai lang như phở!

Trong tập thơ này, còn có khá nhiều bài thơ duyên dáng, thứ duyên dáng có pha chút khôi hài, như Trục chiến, Một chiều chờ đợi, Em chẳng đẹp đâu… mà tôi tin chắc rằng các bạn trẻ lứa tuổi học sinh, hay các bạn trẻ đang yêu có thể chép vào sổ tay riêng.

Nếu nói về phần nhược điểm của tập thơ, đó là có khi sự hóm hỉnh, khôi hài hơi quá mức, khiến cho người đọc cảm thấy nó nằm ra ngoài phạm vi một tập thơ trữ tình, ví như bài Bản tự điểm

Thầy giáo toán Đặng Hấn là người đã thành công trong tập thơ Cầu chữ Y viết cho thiếu nhi, từng nhận giải A của Hội Nhà Văn Việt Nam. Với Không gian thương, tập thơ viết cho người lớn, Nhà xuất bản Trẻ vừa xuất bản, tôi tin bạn đọc xa gần, nhất là những thầy giáo dạy toán và những học sinh yêu toán sẽ tìm được nhiều điều đồng cảm và hứng thú khi có tập thơ trong tay.

(Báo Giáo Dục và Thời Đại số ra ngày 2-3-1992)

Bài viết liên quan

Để lại bình luận