Câu đố về thiên nhiên & tình cảm (41 câu)

bởi Đặng Hấn
936 views
Câu đố về thiên nhiên & tình cảm

Hình mình họa Câu đố về thiên nhiên & tình cảm (nguồn: Internet)

Câu đố về thiên nhiên & tình cảm được trích từ tập thơ câu đố Câu đố xưa và nay (NXB Thanh niên 2004) của nhà thơ Đặng Hấn. Thân mời các bạn cùng đọc và đặt tên cho các bài thơ câu đố về thiên nhiên & tình cảm bên dưới nhé.

Câu đố về thiên nhiên & tình cảm (41 câu)

Câu 1

Đi là nắng, về là trăng
Lá xanh, hoa thắm, lúa vàng… và thơ!

» Đáp án

Ánh mặt trời

Ánh mặt trời chiếu thẳng đến ta là ánh nắng. Ánh mặt trời gặp mặt trăng, phản hồi lại ta là ánh trăng. Tất cả: Lá xanh, hoa thắm, lúa vàng… đều do năng lượng ánh sáng mặt trời mà có. Ánh bình minh, ánh hoàng hôn, ánh trăng… là nguồn cảm hứng vô tận của bao thế hệ nhà thơ.

Câu 2

Không roi, vách núi phải mòn
Vén mây để lộ khuôn tròn trăng chơi
Reo lên lồng lộng nghĩ, cười
Xô ngang chiều tím ra ngoài hoàng hôn.

» Đáp án

Gió

Câu 1 nhắc thơ Hữu Thỉnh:

Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím.

Câu 2 nhắc thơ Nguyễn Du:

Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.

Câu 3 nhắc thơ Trần Mai Ninh:

Ơ cái gió Tuy Hòa
Cái gió chuyên cần và phóng túng
Gió đi ngang đi dọc
Gió trẻ lại lừng chừng
Gió nghĩ, gió cười
Gió reo lên lồng lộng
(Nhớ máu)

Câu cuối nhắc thơ Đặng Nguyệt Anh:

Gió từ đâu đến thổi gầy nhành mai
Một đời gió có vì ai
Xô ngang chiều tím ra ngoài hoàng hôn.

Câu 3

Vàng mơ như thể mỡ gà
Nhuộm trăm tờ lá đều ra xanh rờn

» Đáp án

Ánh nắng

Ánh nắng có màu “vàng mơ”. Lá cây nói chung không có ánh nắng chiếu vào, không thể có màu xanh tươi được.

Câu 4

Chang chang nắng hạ đường dài
Mày theo tao, chẳng chịu rời một ly
Tối đèn tắt lửa mày đi
Để tao đơn độc lấy gì làm vui
Thắp đèn cầy, mở sách coi
Ô kìa, mày lại về ngồi bên tao.

» Đáp án

Cái bóng người

Chỉ cần chú ý thêm hai câu cuối: Thắp đèn dầu hay đèn cầy (nến) thường mới rõ bóng của người. Đèn điện sáng mạnh, tỏa đều nên ít thấy bóng.

Câu 5

Tôi như đường vàng óng
Tôi như muối trắng tinh
Tôi cùng dã tràng tắm biển
Tôi phiêu lưu, trôi dạt, nổi nênh
Tôi vào chảo giục bắp xòe như hoa nở
Bạn yêu hoa, tôi trong suốt thành bình.

» Đáp án

Cát

Câu 5 nhắc việc người ta thường hay dùng cát để rang bắp (ngô). Về chi tiết này có câu đố dân gian về “Quân Gia Cát đánh quân Đông Ngô” khá hóm hỉnh.

Câu 6 nói thủy tinh được làm từ cát.

Câu 6

Chân ở trong nước
Đầu ở ngoài nước
Ngửa mặt lên trời
Xin một điều ước

» Đáp án

Cầu

Chân cầu ở trong nước, đầu cầu ở trên đường (ngoài nước), mặt cầu ngửa lên trời, “cầu” còn có nghĩa là “ước”.

Câu 7

Ve ve thổi lửa đỏ dần
Quạt bàn quay, rủ quạt trần cùng quay
Tiếng ai đập đá luôn tay
Vại bia hơi ngỡ biển đầy sóng xao!

» Đáp án

Quán cóc hè về

“Lửa” ở câu đầu chính là “Lửa phượng”.

Ở câu cuối vì nóng nực nên nhìn vại bia liên hệ ngay đến biển. Bài “Bia việt Nam “ của Xuân Diệu có câu:

Một cốc vàng như đồng lúa chín
Bọt trắng phau như đầu sóng biển
Một cốc vàng ánh sáng xuyên qua
Cốc tươi cười ta ca hát chúng ta.

Vì là quán cóc trống bên đường nên có sự giao lưu với bên ngoài.

Câu 8

Khay bày, trống đánh hai bên
Thơm bia Thủy Tạ, ngọt kem Bốn Mùa
Cầu cong gợi dáng thuyền vua
Trầm tư bóng tháp nơi rùa đòi gươm

» Đáp án

Quán cóc hè về

Câu 1: Một bên hồ Gươm là phố Hàng Khay, một bên là Hàng Trống.

Câu 2: Bên bờ hồ có nhà hàng Thủy Tạ và hiệu “Kem Bốn Mùa”.

Cầu ở câu 3 là cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn.

Tháp ở câu 4 là Tháp Rùa.

Câu 9

Tưởng đâu ở bên Pháp
Về thủ đô thấy liền
Tên em vừa nghe đọc
Ngỡ là để dán tem!
Có ông già cổ lỗ
Gặp em hóa thanh niên.

» Đáp án

Hồ Tây

Trước kia ta hay gọi người Pháp là Tây, nước Pháp là nước Tây, ngày nay ta cũng hay nói “các nước phương Tây” Hồ cũng còn là thứ làm từ bột để dán (có bột mới gột nên hồ; thợ may ăn giẻ, thợ mã ăn hồ).

Hai câu cuối: Đường Cổ Ngư trước kia nay được cải tạo và đặt tên lại là đường Thanh Niên. Có bạn giải thích đường dành cho đôi lứa tâm tình, người già đến đây với cảnh đẹp của hồ, thấy như trẻ lại, yêu đời hơn. Cũng có lý lắm.

Câu 10

Không chạy, không đi, sao vẫn ngã
Có tơ, có lửa, lắm khi đau
Có nhân mà khó nhìn ra quả
Rất khó đo lường rộng, hẹp, sâu.

» Đáp án

Lòng người

Ở câu 1 từ “ngã lòng” là nói sự nản chí (thối chí). Thơ Vương Bột có câu Chớ để ngã lòng theo đầu bạc Vương Tăng Nhụ cũng viết:

Dây đứt còn mong nối lại – Lòng ngã thật khó nỗi cầm.

Ở câu 2: “tơ lòng”, “lửa lòng”, “đau lòng” là nói các trạng thái tình cảm thường được dùng trong thơ qua những câu Kiều khá quen biết:

Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng

Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi?

Đau lòng kẻ ở người đi
Thân còn chả tiếc, tiếc gì đến duyên!

Ở câu 3: Ở lâu mới biết lòng người có nhân “Nhân” là tính “nhân bản”, “nhân đạo”. Ở đây dùng từ đồng âm khác nghĩa: “nhân” là hạt nhân của trái quả.

Câu 4 nhắc câu ca dao:

Sông sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm ai đo cho tường.

Bài viết liên quan

Để lại bình luận