Bích Khê

bởi Đặng Hấn
64 views

Chân dung nhà văn Bích KhêBài thơ khắc họa chân dung nhà thơ Bích Khê được trích từ tập thơ câu đố Chân dung nhà văn của nhà thơ Đặng Hấn do NXB Thanh Niên xuất bản năm 2003. Thân mời các bạn cùng đọc và đoán xem bài thơ bên dưới nhắc đến những tác phẩm nào của thơ văn Bích Khê nhé.

Bích Khê

Hỡi ơi đúng độ xuân hồng
Tỳ bà nhạc tắt, ngô đồng lá rơi
Tinh hoa gửi lại cho đời
(Xưa tinh huyết đã tặng “người khỏa thân”?)
Vừa khai mào cuộc duy-tân
Mà lời tuyệt mệnh mộ phần đã ghi!

Chân dung nhà văn Bích KhêTrong bài nhắc hai tập thơ chính của Bích Khê là TINH HOA và TINH HUYẾT. “Tinh huyết” đã được in năm 1939 còn “Tinh hoa” là tập tác giả dồn hết tâm lực để sáng tác thì mãi năm 1997 NXB Hội Nhà văn mới cho ra mắt bạn đọc. Nhiều bài thơ xuất sắc của tác giả được đề cập: XUÂN HỒNG, TỲ BÀ, NHẠC, TRANH LÕA THỂ, DUY TÂN, LỜI TUYỆT MỆNH… bài “tỳ bà” có 7 khổ 4 câu 7 chữ gồm toàn những từ vần bằng:

Nàng ơi! Tay đêm đương giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tơ êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi

Cây đàn yêu đương làm bằng thơ
Dây đàn yêu đương run trong mơ
Hồn về trên môi kêu: em ơi
Thuyền hồn không đi lên chơi vơi…

Hai câu cuối của bài này được Hoài Thanh  đánh giá là hay nhất trong nền thi ca Việt Nam:

Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi ! vàng rơi ! thu mênh mông

“Tranh lõa thể” cũng là một tuyệt tác của tác giả:

Dáng tầm xuân uốn trong tranh tố nữ
Ô tiên nương! nàng lại ngự nơi này?
Nàng ở mô xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm,
Nàng là tuyết: làn da nàng tuyết điểm
Nàng là hương: nhan sắc mộng lên hương
Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường;
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
vài chút trăng say đọng ở làn môi
Ô run run mấy nét vú phong đồi
Chừng đây đó gót sen vàng xây động…

Lời tuyệt mệnh” còn đề ở bia mộ tác giả:

Thân bệnh: ngô vàng mưa lá rụng
Bút thần: sông lạnh ánh sao rơi
Sau nghìn thu nữa trên trần thế
Hồn vẫn về trong ánh nguyệt soi.

Bích Khê tên khai sinh là Lê Quang Lương sinh ngày 24/3/1916 ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, mất ngày 17/1/1946 trong khi bao dự định “duy-tân” thơ: đưa vào thơ các yếu tố tượng trưng, siêu thực, thơ cấu trúc, “thơ lõa thể”… vừa được nhen nhóm.

Bài viết liên quan

Để lại bình luận