Một bài thơ hay viết về người vợ
(lời bình bài thơ EM TÔI của nhà giáo, nhà văn PHAN SINH VIÊN)
Kỷ niệm 20 năm ngày cưới, Đặng Hấn viết bài thơ lục bát 12 dòng. Bài được đăng tải trên báo Giáo Dục và Thời Đại.
Tiêu đề của bài thơ là “Em tôi”. Đọc được nửa bài (6 dòng) cứ tưởng là Đặng Hấn tặng một “bồ nhí” nào đó:
…Bao lời ân ái, thiết tha
Đều qua ánh mắt, đều qua nụ cười…
Anh lại “tán thêm” cái “nụ cười” ấy là “Như hoa đang nụ, như chồi mới sinh”
Tôi vốn biết, thường nghệ sỹ là đa tình. Nhưng viết tặng “bồ nhí” mà sao lại có từ “ân ái” nhỉ. Từ ngữ ấy chỉ dùng cho vợ chồng chính thức! Thế là tôi vội đọc tiếp 6 câu cuối. Đúng rồi, Đặng Hấn đang viết cho vợ mình! 6 câu cuối ấy sẽ nói sau. Bây giờ trở lại với 6 câu đầu!
Tôi đã rõ, Đặng Hấn không nói “vợ tôi” mà nói “em tôi”. “Vợ tôi” sẽ khiến cho người ta nghĩ đến cái trách nhiệm, cái nghĩa vụ trong quan hệ vợ chồng. 20 năm sau ngày cưới mà còn nói “em tôi” nghĩa là còn nguyên vẹn cái tình yêu thủa ban đầu. Không những còn nguyên vẹn cái tình yêu thủa ban đầu ấy mà tình yêu ấy vẫn đang nẩy nở, phát triển, sinh sôi cùng năm tháng
Nụ cười? Vâng, cười nụ thôi
Như hoa đang nụ, như chồi mới sinh…
Hãy mặc cho chàng Đặng Hấn đang say mê trong hạnh phúc vô bờ. Ở đây tôi chỉ muốn nói với chị em, qua tứ thơ trên, một điều rằng: Muốn giữ gìn hạnh phúc bền lâu, hãy giữ cho mình cái dáng vô tư, cái nét tươi mới như “hoa đương nụ”, “chồi mới sinh”, đừng bao giờ tự xem mình là già.
Đặng Hấn đang ca ngợi vợ mình luôn biết tìm tòi cái đẹp, cái mới, cái trẻ…để hấp dẫn chồng. Với người vợ, đó là cả một nghệ thuật giữ gìn hạnh phúc. Còn với bài thơ thì đó là một ý quan trọng. Có lẽ vì thế mà nó chiếm mất cả nửa bài.
Thời gian công bằng với tất cả mọi người…Nhưng thời gian cũng tàn nhẫn với tất cả mọi người. Nó hủy hoại tất cả những gì mà nó đã sinh ra. Nhưng cũng có thứ chống lại được với thời gian – đó là sức sống – đó là sức trẻ…
Đặng Hấn đang tiếp tục bài “tụng ca” của mình đối với vợ:
…Tóc tôi điểm trắng trên đầu
Chạm tay em hóa xanh mầu trẻ trung
Cổ tích Việt Nam có câu chuyện “Chiếc đũa thần” mà Bụt gõ vào ai thì người đó đang già bỗng nhiên trẻ. Ở đây không có Bụt, cũng chẳng có đũa thần, chỉ có bàn tay người vợ yêu. Bàn tay đã từng “Ôm chặt mối tình bền lâu” với tác giả – Chạm vào bàn tay “biết nói” ấy, “tóc trắng” trên đầu tác giả đã “hóa xanh màu trẻ trung” .Người vợ có cách sống trẻ sẽ làm trẻ hóa cách sống của chồng. Tác giả không “thậm xưng”, “ngoa ngữ” gì đâu! Thực tế đấy! Ai đã từng sống với người giàu sức xuân, sức trẻ đều thấy rõ điều đó. Là một người vợ quý, hãy luôn luôn đem niềm vui, sức sống đến cho chồng. Xin đừng ai biết yêu quý chồng mà đem đến những điều ngược lại.
Giữ hạnh phúc cho mình để giữ hạnh phúc cho chồng, người vợ còn nên là một nhân tố thúc đẩy sự nghiệp của chồng, không bao giờ là lực cản trong sự nghiệp của chồng. Đặng Hấn, với tư cách là nhà thơ, đã cảm ơn vợ điều đó…
…Và xanh tươi đến lạ lùng
Là thơ tôi lúc sánh cùng tình em…
Tình em đã làm thơ tôi ngày càng tươi trẻ. Đó cũng là một thực tế. Đặng Hấn mới xuất bản tập thơ thứ sáu của mình, tập “Hoa ngẫu nhiên”, mà khi giới thiệu tập thơ này, nhà thơ Vương Trọng đã phải thốt lên “Bè bạn vẫn coi giáo sư Đặng Hấn là người giỏi thơ nhất trong làng toán”.
Tôi cũng coi bài thơ “Em tôi” là một bài thơ hay trong nhiều bài thơ khác mà các nhà thơ viết để tặng vợ mình (nói riêng), tặng những người phụ nữ đáng yêu, đáng quí của chúng ta (nói chung). Sau đây, mời các bạn cùng thưởng thức bài thơ “Em tôi” của Đặng Hấn – Nhà thơ
EM TÔI
Em tôi không biết nói nhiều
Với em, yêu nghĩa là yêu thôi mà
Bao lời ân ái thiết tha
Đều qua ánh mắt, đều qua nụ cười
Nụ cười? Vâng cười nụ thôi
Như hoa đang nụ, như chồi mới sinh
Đôi tay dài nhỏ trắng xinh
Em ôm tôi chặt, nối tình bền lâu
Tóc tôi điểm trắng trên đầu
Chạm tay em hóa xanh màu trẻ trung
Và xanh tươi đến lạ lùng
Là thơ tôi lúc sánh cùng tình em…
Vinh tháng 3–1998
(Rút trong tập BẠN VÀ THƠ)