Nhà thơ Trần Nhật Thu nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn
Bạn cứ thử hình dung: một người làm thơ tài hoa lại có con mắt nhìn của nhà toán học và tấm lòng tha thiết yêu trẻ… cả ba phẩm chất ấy đều có trong một con người: Đặng Hấn. Và điều kì diệu là thơ đã chuyển tải những ý tưởng của con người đó về tình yêu quê hương, tình yêu ông bà cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè, cỏ cây hoa lá và cả những sinh linh bé nhỏ trong một thế giới sáng trong lung linh huyền thoại thưở trời đất còn tinh khôi đến với các em.
Đàn ong làm phép trừ
Trừ rét bằng mật ngọt
Bầy chim làm phép chia
Chia niềm vui tiếng hót
Tia nắng làm phép nhân
Trời sáng cao rộng dần
Vườn hoa làm phép cộng
Số thành là mùa xuân
Bốn phép tính cộng, trừ, nhân ,chia thủa vỡ lòng ta đi học mà trời, đất cùng lòng người theo đó mà trở nên nồng nàn hơn. Có lẽ chỉ trong người nhà thơ có nhà toán học mới thấu đạt đến cái vòng sóng giao thoa bằng phép tính đơn giản như vậy. Ở một khía cạnh nào đó, toán học đã đi vào hồn người bằng ngôn ngữ thơ với những câu thơ đầy biểu cảm, đầy hình tượng khó quên.
Còn có cả một duyên thầm trong thơ Đặng Hấn là khi anh muốn nói đến những điều cao xa, bài học cho con trẻ (và cả cho người lớn) trong cuộc sống hằng ngày đầy toan tính:
Đứng đâu là cao đấy
Mà chẳng che lấp ai
Đấy là cây cau: dáng khiêm nhường mảnh khảnh, da bạc thếch tháng ngày… Cây cau cho đỏ môi ngoại nhai trầu, cho mây về nghỉ, cho chim về ấp trứng. Tất cả những điều ấy quen thuộc thân thiết đến nhường nào. Thế nhưng người làm thơ đưa đến cho bạn đọc một điều giản dị tưởng chừng không thể giản dị hơn:
Muốn cao thì phải thẳng
và bất chợt ta nhận ra đôi mắt tinh anh, nụ cười hóm hỉnh của Đặng Hấn. Và đây nữa:
Ai hỏi gì
Chẳng nghĩ suy
Gật gật gật
Ai làm gì
Nó cũng chê
Lắc lắc lắc
Việc của ai
Cũng trổ tài
Được được được.
Cái con “lật đật” hồn nhiên kia tôi đã từng chơi – một trò chơi như bao trò chơi khác, ấy thế mà phải giật mình vì những nhận xét tinh tế của Đặng Hấn và thấm thía những điều anh gửi gắm:
Tính lật đật
Hỏi vì sao
Có gì đâu
Đầu rỗng tuyếch.
Không biết có ai tự ái vì những điều Đặng Hấn viết hay không? Riêng tôi, tôi yêu cái duyên thầm của một người từng trải.
Bởi thế, với mắt trẻ thơ:
Trong như nước, sáng như sao
Mở ra là thực, khép vào là mơ
của anh mà những điều nhân ái bao dung bỗng thấm đẫm vào lòng con trẻ hơn mọi giáo lý tận đẩu tận đâu.
Trong cõi thực và mơ, giữa cái giới hạn rất chênh vênh ấy, Đặng Hấn đã đưa đến nhiều điều bất ngờ và thú vị… Nếu nghiêng về bên thực quá thì thơ sẽ trở thành những đoạn văn xuôi, những triết lý khô khan. Nếu nghiêng về bên mơ quá, thì sẽ trở nên phù phiếm, nhạt nhòa. Đặng Hấn tỉnh táo đối với những gì mình viết, mình suy tư mặc dù lòng luôn dạt dào cảm xúc. Trong chúng ta, ai mà chưa từng qua những chiếc cầu (và cầu nào mà chẳng đưa người qua sông). Riêng với Đặng Hấn còn có cầu I (ngắn ) và cầu Y (dài). Con người đi trên những chiếc cầu chữ ấy… còn chữ thì nâng người lên cao. Chao ôi, những điều thường nhật quen thuộc như khí trời, như nước uống ấy tan hòa vào lòng ta lúc nào không biết nữa.
Cảm ơn người làm thơ đã đưa ta vào cõi thực và mơ đó.
(…”Người đi trên chữ – Chữ nâng người lên cao” – Yêu trẻ số 114 mồng 1/7/1998)