Bút Tre

bởi Đặng Hấn
330 views

Chân dung nhà văn Bút TreBài thơ khắc họa chân dung nhà thơ Bút Tre được trích từ tập thơ câu đố Chân dung nhà văn của nhà thơ Đặng Hấn do NXB Thanh Niên xuất bản năm 2003. Thân mời các bạn cùng đọc và đoán xem bài thơ bên dưới nhắc đến những tác phẩm nào của nhà thơ Bút Tre nhé.

Bút Tre

Quê hương thi sĩ Phú Thò
Chè xanh, cọ biếc, mập to trái chuồi
Lòng còn nhớ mãi cái buôi
Đầu làm phân bắc, chăn nuồi đàn bo
Cu Ba lông mượt giống to
Cách màng văn hóa đất tô lại càng…

Chân dung nhà văn Bút TreTrong bài nhắc một số tập thơ của Bút Tre: RỪNG CỌ ĐỒI CHÈ, QUÊ HƯƠNG PHÚ THỌ, PHÚ THỌ LỚN LÊN, MỘT NGÀY CỦA PHÚ THỌ. Các từ trái chuồi, cái buôi, phân bắc, chăn nuôi, cách màng, văn hóa, lại càng… là muốn nhắc các câu thơ “Bút Tre” được lưu truyền trong dân gian:

Liên hoan có một trái chuồi
Ra về nhớ mãi cái buôi hôm này

Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Anh về phân bắc phân xanh đầy đồng

Chăn nuôi mấy cậu gầy nhom
Làm đàn heo nái xòn xòn đẻ sai

Chú đi công tác bảo tàng
Cũng là công việc cách màng giao cho

Bây giờ đang đứng trưởng ty
Bút Tre thơ phú tôi thì có sau
Cuối cùng xin nhắc một câu
Văn hóa quần chúng là đầu chúng ta!

Những con đường rộng thênh thang
Thái Nguyên Yên Bái lại càng Lào Cai.

Trong tập Chân dung nhà văn (hý họa) này chúng tôi đưa Bút Tre vào vì cuốn sách ít nhiều có tính giải trí. Tuy nhiên cũng muốn qua đây, một lần nữa làm rõ “hiện tượng thơ Bút Tre” này.

Bút Tre tên khai sinh là Đặng Văn Đăng sinh 23/8/1911 tại Đồng Lương, Sông Thao, Vĩnh Phú, mất ngày 18/5/1987. Ông nguyên là trưởng ty Văn hóa Vĩnh Phú, một cán bộ có tâm huyết, có kiến thức rộng, sống thanh bạch, lạc quan. Ông sáng tác nhiều thơ ký là Bút Tre. Thơ ông là thơ trữ tình, thơ chính luận, thơ thời sự để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Hoàn toàn không có ý biếm hài. Nhưng khả năng làm thơ quá kém nên trở nên dớ dẩn và buồn cười. Cụm từ “Thơ Bút Tre” đã được dùng thay cho cụm từ “Thơ con cóc” để chỉ sự dở của thơ. Đọc thơ ai, thấy dở, trước kia người ta thốt lên: “Thơ con cóc!” thì bây giờ người ta kêu là “Thơ Bút Tre!”. Lúc đầu người ta tìm các câu thơ dở của ông, “nhuận sắc” cho dớ dẩn hơn, tục tĩu hơn và bảo là thơ của ông. Sau dần người ta tạo ra thơ mới, lấy cái dớ dẩn nực cười làm “mục tiêu sáng tạo” và gọi luôn đó là “Thơ Bút Tre”. “Nghệ thuật thơ Bút Tre” chủ yếu là ở 3 điểm: 1. đặt sai ngữ pháp; 2. do bí vần hay thanh bằng trắc mà đánh dấu “huyền”, “hỏi”, “sắc”, “nặng”, “ngã” tùy tiện; 3. do số từ trong câu đã quy định (chủ yếu là trên 6 dưới 8 của thể Lục-bát) mà ngắt xuống dòng vô lối, bẻ gẫy một từ thành nửa trên nửa dưới. Trong khi áp dụng 3 “thủ pháp” trên cố gắng tạo ra hoặc hướng người đọc nghĩ tới các từ tục tĩu để gây cười.

Bút Tre Đặng Văn Đăng hoàn toàn không có ý thức khơi nguồn một dòng thơ nào cả. Thơ Bút tre nói như Nguyễn Văn Toại là cái họa (chứ không phải cái phúc) của một đời cầm bút. Các câu như:

Anh đi công tác Pờ lây
cu dài dằng dặc biết ngày nào ra

Chị em phụ nữ đánh cầu
lông bay vun vút trên đầu anh em

Không đi không biết Cửa Lò
Đi về mới biết nó to hơn cửa mình…

đều do “dân gian… lận” đặt ra. Có bài lần trước nghe:

Không đi không biết Tam Đao
Đi thì chẳng biết nơi nào mà ngu
Một giường nhốt những hai cu
Sướng khô đành chịu đến chu nhật về.

Lần sau nghe đọc lại thì câu cuối đã đổi thành: Gối không đủ gối lấy mu gối đầu.

Hiện tượng Thơ Bút Tre là hiện tượng vô hại. Nó góp một tiếng cười vui mà cả từ người làm nghề văn chương nghệ thuật đến người xa lạ với nghề văn cũng thấy vui thú nên chắc chắn còn được duy trì và phát triển.

Bài viết liên quan

Để lại bình luận