Câu đố về cây trái (36 câu)

bởi Đặng Hấn
924 views
Câu đố về cây trái

Hình mình họa Câu đố về cây trái (nguồn: freepik)

Câu đố về cây trái được trích từ tập thơ câu đố 1001 bài thơ đợi bạn đặt tên (NXB Thanh niên 2002) và Câu đố xưa và nay (NXB Thanh niên 2004) của nhà thơ Đặng Hấn. Thân mời các bạn cùng đọc và đặt tên cho các bài thơ câu đố về cây trái bên dưới nhé.

Đọc thêm:

Câu đố về cây trái (36 câu)

Câu 1

Giúp bà, giúp mẹ thắm môi
Giúp anh, giúp chị vừa đôi đẹp lòng
Cho em ngựa cưỡi nhong nhong
Học theo dáng đứng cha ông giữa đời!

» Đáp án

Cây cau

Các bà, các cụ ăn trầu với trái cau.

Trầu cau luôn đi với lễ vật cưới xin, dạm hỏi.

Trẻ con nông thôn (xưa) thích chơi “cưỡi ngựa tàu cau”.

Cây cau mọc thẳng như tính cương trực bất khuất của ông cha, của dân tộc.

Câu 2

Trái thì chín tựa mặt trời
Lột vỏ đi rồi, hóa mặt trăng con
Trái thì chín tựa trăng tròn
Bổ đôi hiện mặt trời son rực hồng.

» Đáp án

Chôm chôm và gấc

Chôm chôm có gai dài (còn gọi là lông).

Khi chín như mặt trời với các tia nắng, trong lớp vỏ lại trắng bóng mịn như “mặt trăng con”. Nhà thơ Vương Trọng cũng có bài thơ nói ý này.

Gấc chín vỏ vàng, ruột đỏ như lửa.

Có bạn đặt là “chôm chôm và bưởi” nếu nói là “bưởi đào” thì có thể chấp nhận được.

Câu 3

Vỏ như trăng mọc về đêm
Ruột tươi đỏ – mặt trời lên ban ngày
Cớ sao giễu kẻ ăn mày
Tiền xu dẫu lắm, dính đầy máu me!

» Đáp án

Gấc chín

Câu thứ 3 nhắc câu thành ngữ: Ăn mày lại đòi xôi gấc!.

Câu cuối: Hạt gấc giống như những đồng tiền xu, “thịt” gấc chín giống hệt như má!

Câu 4

Năm bảy tàu thì để không
Lấy thân đóng mảng qua sông không cầu
Có buồng nào ở được đâu
Cha con ngày tháng dãi dầu nắng mưa

» Đáp án

Cây chuối

Chữ “Tàu” trong câu đầu là tầu lá chuối đồng âm với “tàu” thuyền.

Cây chuối thường hay dùng làm phao bơi hay đóng mảng nổi trên nước.

Chữ “buồng” ở câu 3 là buồng gồm nhiều nải chuối, đồng âm với buồng (phòng) để ngủ.

Câu 5

Cây vuông, không lá, không hoa
Người cầm vòi tưới, xe ra xe vào
Tưới cây mới lạ lùng sao:
Từ cây nước chảy ào ào khỏi cây.

» Đáp án

Cây xăng

Các chi tiết đều đã rõ khi bài thơ có tên.

Câu 6

Lá to, lá nhỏ
Củ đỏ, củ trắng
Củ giống nhau chưa?
Củ đỏ thỏ ưa
Làm dưa củ trắng

» Đáp án

Củ cải và cà rốt

Các chi tiết đều đã rõ khi bài thơ có tên.

Nhiều bạn đặt tên “củ cải” rồi phân 2 loại: “Cải đỏ” và “cải trắng” cũng hay.

Câu 7

Nghe tên thèm bánh tráng
Kho thịt thì hết chê
Nâng vạt váy mà hứng
Tạc dáng đứng Bến Tre.

» Đáp án

Dừa

Câu đầu nhắc thành ngữ: Chết không chừa cứ cùi dừa bánh tráng (đa).

Câu hai: Miền Bắc hay kho thịt với cùi (cơm) dừa. Miền Nam hay kho thịt với nước dừa hoặc nước cốt dừa. Ca dao có câu:

Đôi ta như thịt kho dừa.

Nếm đi nếm lại vẫn chưa hết thèm!.

Câu 3 nhắc bức tranh dân gian nổi tiếng “Hứng dừa”. Nhà thơ Vương Trọng có bài thơ Xem tranh hứng dừa với 4 câu cuối:

Người muốn hứng người chưa cho hứng

Dưới trên khấp khởi mừng lo

Vượt thế kỷ, trải nhiều thiên niên kỷ

Họ vẫn nhìn nhau qua giấy mực làng Hồ.

Câu 4 nhắc bài hát Dáng đứng Bến Tre của Nguyễn Văn Tý: “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió, có phải người còn đó là cô gái của Bến Tre…”

Câu 8

Không thừa không thiếu
Ngồi kiệu, che dù
Khi vàng sắc nắng
Bao nhiêu nếp trắng
Biến thành đậu đen

» Đáp án

Trái đu đủ

Câu đầu là “Chiết tự chữ đủ”. Tương đối đủ cũng hay nói “Đu đủ”.

Câu hai: Tán lá đu đủ như dù như kiệu.

Ba câu cuối: Trái đu đủ chín có mầu vàng như nắng. Hạt đu đủ lúc trái xanh trắng như gạo nếp. Khi trái chín hạt đen như đậu đen, một sự “biến hoá” đầy thú vị của thiên nhiên.

Câu 9

Trễ nải cha mừng
Sai trái mẹ vui
Con cái ngoan ngoãn
Cho ăn năm roi!

» Đáp án

Gia đình trồng cây trái

Bài thơ dùng các từ đồng âm khác nghĩa nên khi đọc có cảm giác thấy nhiều sự vô lý, nhưng khi đã giải thích thì mọi chuyện đều bình thường cả. “Trễ nải” vừa chỉ việc làm chậm trễ, lề mề, không tích cực vừa chỉ buồng chuối to, dài, nải trễ xuống. “Sai trái” vừa chỉ việc làm không đúng, không lành mạnh vừa chỉ cây nhiều trái quả. “Cho ăn roi” là đánh đòn, nhưng “Năm roi” lại là giống bưởi quý.

Câu 10

Tên giấy có phải giấy đâu
Giấy sao có thể dãi dầu nắng mưa
Giống pơ-luya màu lắm cơ
Chắc ong bướm gửi thư từ cho nhau.

» Đáp án

Hoa giấy

Thơ cho thiếu nhi của Đặng Hấn viết:

Hoa giấy không phải giấy

Gặp mưa có rữa đâu

Giấy gì mà lạ vậy

Phơi nắng chẳng phai màu

Nhưng hoa rất giống giấy

Loại giấy pơ luya màu

Cũng cành ấy gốc ấy

Lại nhiều màu khác nhau

Hoa giấy mà tên thiệt

Nhận biết chả khó đâu

Hoa hết tươi hoa rụng

Cho cành đơm nụ sau.

Câu 11

Hoa ngời sắc trắng nắng hanh
Thông qua giai đoạn quả, thành hạt ngay!
Hương hoa thơm dịu mà say
Từng vương tóc dài cô gái đồng xanh

» Đáp án

Hoa lúa

Ở câu 2 cho thấy bình thường thì từ hoa thành quả rồi dần mới xuất hiện hạt. Nhưng hoa lúa thì thành ngay “hạt lúa” không thấy ai gọi “quả lúa” cả (có thể vì nó nhỏ?).

Câu 4 nhắc thơ “Hoa lúa” của Hữu Loan:

Em là em gái đồng xanh

Tóc dài vương hoa lúa.

Câu 12

Hương hoa gợi nhớ hương trà
Tên hoa gợi cảnh biệt xa não lòng
Sắc hoa bình dị trắng trong
Hoa khô rồi vẫn thơm nồng như tươi

» Đáp án

Hoa ngâu

Hoa ngâu hay được dùng để ướp trà. Chữ “ngâu” gợi nhớ “mưa ngâu” và từ đó nhớ chuyện “Ngưu Lang Chức nữ”.

Câu 13

Không máu đỏ cũng da vàng
Dẫu rằng kẻ Bắc, người Nam một nhà
Quanh năm che nụ giấu hoa
Dành hương, giữ sắc làm quà xuân sang

» Đáp án

Mai và Đào

Câu 1 nói hai màu hoa khác nhau.

Câu 2: Mai và đào thường được trồng trước cửa nhà.

Câu 3 và 4: Hai loại hoa thường chỉ nở vào mùa Xuân.

Cả bài thơ nói lên Bắc Nam dù có những sắc thái khác nhau nhưng vẫn cùng một nòi giống, cùng thiết tha yêu mùa Xuân.

Câu 14

Chọn mùa bão táp chào đời
Mang hình tên lửa, thẳng trời vút lên.

» Đáp án

Măng

Câu đầu nói một hiện tượng thực tế: Măng thường mọc vào mùa bão.

Đặng Hấn đã có bài thơ Mùa bão – mùa măng nói về hiện tượng này:

Những người từ giông tố lớn lên vẫn không khỏi ngạc nhiên

Mùa măng mọc chính là mùa bão táp

Mà trên hạnh phúc đời ta tre cứ trùm bóng mát

Rực rỡ sao tan bão hửng mặt trời

Chim ríu rít trên cành tre đâu đấy

Và bất chợt ta nhận ra khi ấy

Mấy mầm măng đâm thẳng giữa trời trong!.

Câu thứ hai nói về hình dáng đẹp và tính cách thẳng thắn, luôn vươn lên cao của măng.

Câu 15

Thân trúc, thân tre
Lá lau, lá lúa
Lá như gươm khuơ
Thân như rồng múa
Máu trắng, nhiễm đường
Sao da vẫn tía?

» Đáp án

Mía tím

Mọi chi tiết đều đã rõ khi bài thơ có tên.

Câu thứ ba nhiều bạn dự thi có liên hệ đến nhà thơ Trần Đăng Khoa trong bài Mưa: “Muôn ngàn cây mía múa gươm.”

Nhiều bạn dự thi còn cung cấp tên gọi khác ở các địa phương về loại mía này: Mía tiá, Mía điệu, mía mưng, mía hồng quân…

Câu 16

Nghe tên: rõ tiên nga
Sực nức mùi nước hoa
Người chê: văn hóa yếu
Người thầm thì: xấu da!
Hiểu tấm lòng thơm thảo
Sẽ đẹp dạ cả nhà.

» Đáp án

Mít tố nữ

Tố nữ là người con gái đẹp, mít tố nữ chín thơm; “mít”, hay “mít đặc” là chỉ sự dốt.

Ba câu cuối lấy ý từ câu đố dân gian: Sù sì da cóc, trong bọc trứng gà, bổ ra thơm phức, cả nhà muốn ăn.

Câu 17

Chín trộm ban đêm
Mùi thơm nức nở
Chông gai cắm ngoài
Ngọt ngon bọc giữa
Cả nhà vui chung
Mình tôi buồn nhớ

» Đáp án

Trái sầu riêng

Sầu riêng thường chín và rụng xuống vào ban đêm.

Câu cuối muốn nói “Sầu riêng” là buồn một mình.

Câu 18

Thấy em là thấy hè rồi
Thơm tho đã trải, ngọt bùi đã qua
Vượt nơi hèn thấp vươn ra
Kiêu sa lắm, chớ lầm ra tôi đòi.

» Đáp án

Sen

Sen chỉ nở vào mùa hè.

Hoa sen thơm, hạt sen bùi, thường dùng làm mứt ngọt.

Sen từ bùn đất vươn lên.

Dáng hoa sen đẹp một cách sang trọng. Người ở cũng hay gọi là “con sen”.

Câu 19

Có quả mà chả có hoa
Từ trong quả chín, muỗi ra bất ngờ
Quanh năm ai cũng thờ ơ
Tết mang lên tận bàn thờ tổ tiên

» Đáp án

Trái sung

Câu 1 lấy từ câu đố dân gian.

Câu 2 nhắc một câu thơ Phạm Hổ ở bài Sung:

Quả đỏ bà già

muỗi vào đầy ruột

lòng sung là nhà.

Câu cuối: Một số gia đình vào ngày tết thường đưa quả sung vào mâm ngũ quả với ý cầu mong sự sung túc.

Câu 20

Cắt ngang giống hệt bánh đa
Trên cây giống hệt, bông hoa tươi hồng
Cũng là con cháu tiên rồng
Cửu Long ít ở, Thăng Long ít về

» Đáp án

Trái thanh long

Trái Thanh Long cắt ngang, tiết diện giống hệt bánh tráng có mè (vừng) đen.

Thanh Long  được trồng rất nhiều ở  miền Trung (Phan Rang, Phan Thiết) ít trồng ở đồng bằng sông Cửu Long hoặc ở đồng bằng Bắc Bộ.

Câu 21

Cây gì mà lạ quá ta
Lúc nhỏ là bà, lúc lớn là ông
Đời nghèo chỉ uống nước trong
Vạn năm xanh tốt, đời không tuổi già

» Đáp án

Vạn Niên Thanh

Cây Vạn Niêm Thanh (xanh vạn năm) còn được gọi là cây trầu. Nếu nhỏ thì gọi “Trầu bà” còn phát triển tốt thì gọi là “Trầu ông” thực ra là cũng một giống. Giây trầu cắm vào nước lã cũng có thể xanh tốt được khá lâu.

Câu 22

Chùm hoa tim tím mờ mờ
Trái như mặt đẹp vào thơ bao đời

» Đáp án

Cây xoan

Câu đầu nhắc thơ Xuân Diệu:

Đường tình đã nở hoa xoan

Xôn xao lá vẫy, hân hoan gió chờ

Trên cao ngan ngát hương đưa

Em ơi tim tím, mờ mờ chùm hoa…

Trong thơ ca, khi tả diện mạo phụ nữ cũng hay dùng thành ngữ mặt trái xoan.

Câu 23

Gỗ chẳng thể làm bàn tủ
Lá không ăn được như rau
Hoa hiếm, trái không hề có
Tự hào: Ngàn tuổi sống lâu!

» Đáp án

Cây thiên tuế

Câu 24

Già làm nhà cửa tập tàng
Trẻ trung đan lát dần sàng nhỏ to
Non tơ lại khoái xáo cò
Thẳng ngay dẫu cháy thành tro cũng đành!

» Đáp án

Cây tre

Câu cuối lấy ý từ thơ cổ “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”.

Câu 25

Tồng ngồng của quí khoe ra
Thế mà cứ bảo là ta biết điều!

» Đáp án

Trái điều

Câu 26

Hoa gì nhỏ cũng bảo to?

» Đáp án

Hoa đại

Câu 27

Hoa gì vàng, trắng cũng cho là hồng?

» Đáp án

Chữ ?Hoa hồng

Câu 28

Hoa gì không một ai trồng
Hái chơi, không trả một đồng, cũng: Mua!

» Đáp án

Hoa mua

Câu 29

Hoa gì như thể lộc vua?

» Đáp án

Hoa ban

Câu 30

Hoa gì sư sãi trong chùa ngạc nhiên?

» Đáp án

Hoa “dâm bụt”

Câu 31

Hoa gì xinh nhỏ dịu hiền
Tên gọi gắn liền mồm miệng khuyển dương?

» Đáp án

Hoa mõm chó

Câu 32

Hoa gì hữu sắc, vô hương
Đàn bà quí phái mang thường hôm mai?

» Đáp án

Hoa tai

Câu 33

Hoa gì nở đẹp hôm nay
Nhìn hoa ai cũng nói sai thì giờ?

» Đáp án

Hoa mai

Câu 34

Hoa gì trái đắng, chát chua
Tên nghe thơ mộng như đùa trêu nhau?

» Đáp án

Hoa mơ

Câu 35

Hoa gì nhìn choáng váng đầu?

» Đáp án

Hoa mắt

Câu 36

Hoa gì tưởng để giúp nhau mua hàng?

» Đáp án

Hoa đồng tiền

Bài viết liên quan

Để lại bình luận