Câu đố về nhà ở (49 câu)

bởi Đặng Hấn
3k views
Câu đố về nhà ở

Hình mình họa Câu đố về nhà ở (nguồn: freepik)

Câu đố về nhà ở được trích từ tập thơ câu đố 1001 bài thơ đợi bạn đặt tên (NXB Thanh niên 2002) và Câu đố xưa và nay (NXB Thanh niên 2004) của nhà thơ Đặng Hấn. Thân mời các bạn cùng đọc và đặt tên cho các bài thơ câu đố về nhà ở bên dưới nhé.

Đọc thêm:

Câu đố về nhà ở (49 câu)

Câu 1

Chong chóng thiệt ngộ
Không gió mới quay
Quay rồi mới gió
Sông ngòi không có
Bắc cầu mới quay.

» Đáp án

Quạt máy

Việc không có gió, gây nực nội, người ta phải dùng quạt máy để tạo ra gió, khi quạt quay sẽ tạo ra gió.

Thơ cho thiếu nhi của Đặng Hấn có bài Quạt và chong chóng:

Chong chóng và chiếc quạt

Đều rất mê quay vòng

Quạt quay làm ra gió

Gió làm chong chóng quay.

Các đồ điện sẽ không hoạt động được khi “cầu chì” bị đứt.

Câu 2

Chỉ cần ấn chiếc nút
Trăm khán giả hét la
Hai đội bóng quốc tế
Tranh giải trong… góc nhà.

» Đáp án

Xem truyền hình bóng đá

Câu 3

Mùa đông ở nước nào đây
Có pom, nho đúng bên Tây đó mà
Thế nhưng vẫn giống bên ta
Rau muống ở dưới, trứng gà ở trên
Ái chà, chả sợ thiếu kem.

» Đáp án

Tủ lạnh

Câu 4

Tưởng đâu ma quỷ hiện hình
Rõ giọng người tình, vạn dặm xa xôi
Ung dung áp má hoa khôi
Rỉ tai tổng thống, hôn môi nữ hoàng.

» Đáp án

Điện thoại

Điện thoại liên tỉnh hoặc quốc tế có thể gọi cho người thân ở xa vạn dặm, khi gọi điện thoại, ống nghe của điện thoại sẽ áp má, rỉ tai, hôn môi họ.

Câu 5

Một mồm trăm giọng phát ra
Tưởng trong vật ấy có ma ẩn tàng
Giữa đường, quán nhậu, cơ quan
Xa xôi, gấp gáp sẵn sàng có nhau!

» Đáp án

Điện thoại di động

Câu 6

Đứa thì gan ruột sục sôi
Đứa thì lòng dạ suốt đời giá băng
Cũng là việc nước lo toan
Mấy cuộc luận bàn mà vắng chúng tôi.

» Đáp án

Phích nước sôiphích đá

Việc “nước” là việc giải khát, chữ “nước” là H20 chứ không phải là “đất nước”.

Câu 7

Người bảo tôi đen huyền
Người chê, khen : tối, sáng
Đêm hội thái bình tôi lại hành quân
Đất nước chiến tranh tôi từng đứng gác.

» Đáp án

Đèn

Câu 1 là chiết tự (hoặc “đánh vần”) chữ “đèn”.

Câu 2: Nói đến đèn thì điều quan tâm đầu tiên là độ phát sáng nên thường được khen “sáng” hay “tỏ” hoặc bị chê “tối” hoặc “mờ”. (Ngọn đèn khi tỏ khi mờ – Kiều).

Câu 3 nhắc đến một loại đèn là “đèn kéo quân”. “Kéo quân” hay “hành quân” thường gắn với chiến tranh, nhưng đèn kéo quân lại chỉ dùng trong những ngày hội hòa bình. Trong bài thơ Lửa đèn Phạm Tiến Duật có viết là anh mong đến ngày hòa bình thống nhất để:

Ta sẽ làm chiếc đèn kéo quân rất đẹp

Mang hình những người, những cảnh hôm nay

Cho những cuộc hành quân nào còn nằm trong bóng tối

Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.

Câu cuối nhắc bài thơ nổi tiếng của Chính Hữu đã được phổ nhạc là Ngọn đèn đứng gác

Câu 8

Mới mọc thì cao
Mọc lâu thấp bớt
Trái ớt trên đầu
Đèn sao mời rước
Mặc ai vui cười
Lệ tôi sướt mướt.

» Đáp án

Cây nến (cây “đèn cầy”)

Hai câu đầu muốn nói: Đã gọi là “cây” thì phải mọc cao dần.

Cây nến vì cháy nên ngày một “thấp bớt”.

“Trái ớt trên đầu” là nhắc thơ Phạm Tiến Duật trong Lửa đèn:

Trái ớt như ngọn lửa đèn dầu

Chạm đầu lưỡi, chạm vào sức nóng.

Sinh thời Xuân Diệu rất lấy làm tâm đắc câu thơ này. Ông cho rằng sự so sánh đúng cả về hình thức bên ngoài cũng như nội dung bên trong.

Hai câu cuối: Nến thắp trong đèn trung thu nhưng khi cháy nến chảy như nước mắt. Thơ Đỗ Mục (Tặng biệt) có câu:

Chiếc nến có lòng còn luyến tiếc

Thay người nhỏ lệ suốt năm canh

Câu 9

Dại khôn dồn ra đó
Nhìn nó rõ hình dong
Chọn kỹ mà gửi của
Đủ xanh, bủng, đen, hồng.

» Đáp án

Mặt người

Câu 1 nhắc thành ngữ Dại khôn dồn ra mặt. Què quặt hiện ra  chân tay.

Câu 2 nhắc thành ngữ Trông mặt mà bắt hình dong.

Câu 3 nhắc thành ngữ Chọn mặt gửi vàng.

Câu cuối nhắc các thành ngữ mặt xanh nanh vàng, mặt bủng da chì, mặt sắt đen sì, mặt hoa da phấn, hồng nhan bạc mệnh…

Câu 10

Bệnh vào qua nó
Vạ ra qua nó
Lúc có thép gang
Khi trôn trẻ nhỏ
Quán đổ đình xiêu
Ăn nhiều núi lở

» Đáp án

Miệng người

Hai câu đầu nhắc thành ngữ:

Bệnh vào qua miệng

Vạ ra qua miệng.

Vế thứ hai cũng có nghĩa như Ếch chết tại miệng.

Câu 3 nhắc thành ngữ:

Miệng nhà sang có gang có thép

Đồ nhà khó vừa hẹp vừa thâm.

Câu 4 nhắc thành ngữ “Miệng quan trôn trẻ” nhân dân ta dưới chế độ cũ nói về bọn quan lại áp bức như vậy.

Câu 5 nhắc câu ca dao:

Mồm ăn, mồm nói, mồm cười, mồm lại nói điêu

Làm cho quán đổ đình xiêu cũng vì mồm.

Câu cuối nhắc thành ngữ:

Miệng ăn núi lở

Câu 11

Đợi hoa nở đỏ rồi trồng
Hương hoa nghi ngút như rồng lên mây
Chắp tay khấn nguyện vài giây
Tức thì có trái ăn ngay, xin mời!

» Đáp án

Thắp nhang

Câu 1: Khi thắp nhang, ta thường đợi nhang cháy đỏ rồi mới cắm.

Câu 4: Trái ở đây là trái bày trên bàn thờ.

Câu 12

So với yếm dãi thì hơi nhỏ
Trẻ thò lò mũi lại không xài
Đợi đến ngày vui đem… thắt cổ
Tiếp viên, tài xế thắt lai rai.

» Đáp án

Cà-vạt

Trẻ em thường mang yếm dãi (cái xây) để cho rớt dãi hoặc thức ăn không làm ướt bẩn áo và gây lạnh ngực. Cà vạt nhỏ và dài hơn và người lớn mới thắt. Cà vạt chỉ thắt vào ngày đặc biệt. Tiếp viên ở các khách sạn lớn hoặc tài xế chạy taxi thường mang để có tác dụng tiếp thị và giữ ấm cổ (tắc xi có máy lạnh, nhà hàng và khách sạn thường cũng có máy lạnh, sự thay đổi nóng lạnh dễ gây viêm họng).

Câu 13

Khi em mặc áo màu hoa
Khi mang áo giáp nuột nà song mây
Bao mơ mộng đẹp từ đây
Từ đây bao tứ thơ hay nẩy vần.

» Đáp án

Cái gối

Có loại gối mang “áo gối” thường bằng vải hoa. Có loại gối bằng mây hay song nhìn như áo giáp. Các thi sĩ thường nghĩ được ý thơ hay khi nghiêng đầu trên gối. Trên gối khi ngủ thường có nhiều giấc mơ đẹp. Có bạn đặt tên “dàn hoa” không sát lắm với câu 2.

Câu 14

Ban ngày ngủ đứng một nơi
Thức canh giấc ngủ cho người canh thâu
Nón không rời, nắng ở đâu?
Thưa rằng: Nắng ở trong đầu mà ra!

» Đáp án

Đèn ngủ

Câu 15

Nhìn ngoài như chiếc rọc dừa
Phía trong hun hút dẫn đưa hai đường
Lối đi của những mùi hương
Gió thổi bất thường cứ đổi chiều luôn.

» Đáp án

Cái mũi

Câu 16

Không mồm, không mắt
Chân không nhúc nhắc
Dùng mặt để… ăn!

» Đáp án

Bàn ăn

Chỉ cần nói thêm ở câu thứ 3 “để ăn” là người ta dùng  bàn để làm chỗ ăn chứ không phải ăn cái mặt bàn, cũng không phải cái bàn dùng mặt để ăn thay cho miệng.

Câu 17

Vênh váo là rất hại
Ái ngại chị chìa vôi
Rất thương người mỗi miếng
Tôi dâng mời tận môi
Đừng đem tôi trả bạn
Kẻo mang tiếng hẹp hòi.

» Đáp án

Đôi đũa

Câu đầu nhắc thành ngữ “Vợ dại không hại bằng đũa vênh”.

Câu 2 nhắc thành ngữ “Đũa có đôi, chìa vôi lẻ bạn”.

Hai câu cuối nói hành động “trả đũa” thường là trả thù vặt, không quân tử…

Câu 18

Chồng có răng không lưỡi
Vợ có lưỡi không răng.
Chúng tôi ra đồng áng
Quý vị vào bàn ăn.

» Đáp án

Cày bừa nghĩ về dao nĩa

Cày có lưỡi cày, dao có lưỡi dao nhưng không có răng; bừa có răng bừa, nĩa có răng nĩa nhưng không có lưỡi.

Cày – bừa là dụng cụ lao động, dao –  nĩa là dụng cụ để ăn.

Câu 19

Hạt gì quả lớn mông mênh
Cá không ăn chẳng để dành được lâu
Lúc trong quả chả thấy đâu
Lúc đem bỏ lọ, hiện màu trắng tinh.

» Đáp án

Hạt muối

Câu 1: Hạt muối nằm trong “quả biển” mênh mông.

Câu 2: Nhắc tục ngữCá không ăn muối cá ươn”.

Câu 3, 4: Hạt muối tan trong nước không nhìn thấy, khi nước bốc hơi, muối kết tinh thành hạt màu trắng.

Câu 20

Phải đâu bát phở ăn chơi
Gắn bó một đời như thể vợ ta
Thảo thơm nuôi sống mọi nhà
Nhưng sao mẹ ruột lại là đàn ông?
Có khi nào hóa cá không?

» Đáp án

Cơm

Hai câu đầu: Cơm là món ăn không thể thiếu của người Việt Nam ta Bát cơm, manh áo, hương hoa, hồn người (thơ Tố Hữu) được xem là toàn bộ cuộc sống tinh thần và vật chất của con người. Hai câu đầu cũng muốn nhắc một thành ngữ trong “dân gian… lận” là “Cơm là vợ, phở là bồ”.

Câu thứ 4 nhắc 2 thành ngữ: “Cơm tẻ mẹ ruột” và “Thuốc Nam thuốc Bắc bú cặc cho cơm” thành ngữ sau này sinh thời Chế Lan Viên rất tâm đắc. Ông (kí Chàng Văn) dẫn ra để minh chứng cho quan điểm “không có chữ văn chương và chữ không văn chương”.

Câu cuối nhắc danh từ cần câu cơm (nghề kiếm sống). Nhiều bạn dự thi nhắc đến loại cá cơm kho giòn ăn với cháo trắng rất tuyệt và làm nước mắm rất ngon. Cũng đáng ghi nhận ý này.

Câu 21

Dẻo mềm đến thế thôi mà
Da trơn, da trắng, nõn nà đáng yêu
Nào măng, nào mọc, nào riêu
Ốc, bò, thịt nướng… bao nhiêu vẫn thèm.

» Đáp án

Bún

Hai câu đầu tả sợi bún. Hai câu sau nói một số món bún phổ biến nhiều nơi

Câu 22

Vừa bằng đồng xu
Cho vô chảo mỡ
Bỗng nở như hoa
Chỉ dăm chiếc đĩa
Đầy ba gian nhà.

» Đáp án

Bánh phồng tôm

Hai câu cuối có thể hiểu “Dăm chiếc dĩa” là dăm chiếc đĩa dùng để đựng bánh phồng tôm như nhiều bạn dự thi nói. Nhưng tốt hơn nên hiểu là “Dăm chiếc bánh khi chiên xong, nở to như những chiếc dĩa sứ trắng nhỏ và hương thơm ngào ngạt của nó, đầy cả nhà, còn tràn ra cả ngoài sân, có khi còn tràn sang cả nhà hàng xóm nữa kia đấy”.

Câu 23

Mặt tròn da trắng
Duyên em nhờ lắm tàn nhang
Gặp lửa gặp than
Phát ban càng nhiều càng thích.

» Đáp án

Bánh đa

“Tàn nhang” là những hạt vừng (mè) rải rác trên mặt bánh. Nhiều khi người ta dùng vừng đen thì nhìn càng giống hơn. Khi nướng, bánh có những nốt phồng to nhỏ khác nhau như bị phát ban (còn gọi là nổi “mề đay”). Bánh đa nướng càng có nhiều nốt phồng, trông càng đẹp và ăn càng mềm, ngon.

Câu 24

Khi ngủ thì đứng
Lúc ăn lại nằm
Ham ăn cho sướng
Bị người chặt băm.

» Đáp án

Cái thớt

Câu 25

Càng rửa lại càng bẩn
Rửa rồi để làm chi?
Thôi đừng hỏi lẩn thẩn
Rửa rồi thì… đổ đi!

» Đáp án

Chậu nước rửa

Mới đọc bài thơ ta đã thấy có sự vô lý: thứ gì càng rửa cũng phải càng sạch và rửa xong thì để ăn, để dùng. Nhưng khi đọc tên bài thơ mọi chuyện đều rõ nhé. Bài thơ gợi ý ta khi đọc bài văn nên nhìn từ nhiều phía, lật ngược vấn đề, nhìn mặt đối lập… sẽ có thể tìm ra nhiều ý hay.

Câu 26

Còn hơi: Rõ cái hon-đa
Hết hơi: Hòn đá sao mà rinh đây?

» Đáp án

Cái xe hon đa

Xe Hon đa khi bị xì hết hơi ở bánh xe sẽ thành một vật nặng như hòn đá khó mà mang đi được. Đây thuộc loại câu “vừa đố vừa giảng”.

Câu 27

Có dựa ai đâu nào?
Tôi tự mình đứng thẳng
Muốn giúp bạn lên cao
Nên tôi cần cao cẳng.

» Đáp án

Cái thang nhôm

Hai câu đầu so sánh cái thang nhôm với cái thang tre cổ truyền. Hai câu sau nói công dụng của thang là đưa người lên cao.

Câu 28

Mồm không, tai mũi cũng không
Có trăm ngàn mắt song song đan cài
Người dùng để bắt chim trời
Trời dùng để bắt những người bất lương.

» Đáp án

Lưới

Câu 1 và 2: Người ta chỉ nói mắt lưới, chứ không nói bộ phận nào của lưới là “tai”, “mồm”, “mũi”, v.v…

Câu thứ tư nhắc thành ngữ “Lưới trời khôn thoát”.

Câu 29

Rửa mặt thì lâu
Gội đầu thì chóng
Cứ ngỡ cúi đầu
Thì ra râu quai nón!

» Đáp án

Chân dung người hói đầu

Hai câu đầu ghi từ trí nhớ. Cũng như câu “Xà bông thì đắt, khăn mặt thì rẻ” để giải thích “ý nghĩa kinh tế” của việc hói đầu là câu hay được nhắc trong dân gian.

Câu 30

Ăn cơm thì nuốt
Uống nước thì nhai
Đi dạo phố ngoài
Trẻ em phải dắt.

» Đáp án

Cụ già móm

Ăn cơm vì không có răng nên phải nuốt trọng. Còn uống nước sợ sặc nên phải đưa đi đẩy lại mãi rồi mới dám nuốt.

Câu 31

Một mẹ bốn năm con
Con da đẹp, miệng tròn
Tính tình mẹ thiệt ngộ
Khách đàn ông đến nhà
Vạch vú cho con bú
Đợi khách hôn con xong
Lại cho con bú nữa

» Đáp án

Bộ ấm chén trà

Câu 32

Đàn bà con gái rất yêu
Chỉ đi tu mới ra chiều dửng dưng
Mềm như nhựa, cứng như sừng
Dùng nó coi chừng, kẻo lại gẫy răng

» Đáp án

Cái lược

Gẫy răng ở đây là gẫy răng lược chứ không phải gẫy răng người dùng lược.

Câu 33

No say rồi lấy em đi
Giúp anh cái khoản thứ nhì được chăng?
Em đâu còn tuổi thơ măng
Mất em, có kiếm cũng bằng công toi

» Đáp án

Cái tăm tre

Câu 1: Ăn xong thì lấy tăm xỉa răng.

Câu 2 nhắc thành ngữ: “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì dắt răng”.

Câu 3: Tăm làm bằng tre chứ không bằng măng.

Câu 4: Chữ “tăm” được dùng với nghĩa dấu tích, (tăm cá bóng chim). Mất tăm mất tích là không để lại dấu vết gì để theo đó mà tìm ra.

Câu 34

Cắm vào là nó nóng lên
Chà đi kéo lại nước liền rỉ ra
Khum khum như cái bàn là
Đàn ông đã thích, đàn bà thích hơn

» Đáp án

Cái bàn là

Câu 35

Một mẹ sinh được trăm con
Đứa nào đứa nấy thon tròn thấy mê
Con thường ăn uống no nê
Mẹ vò võ đợi con về ẵm con

» Đáp án

Ống đũa

Câu 36

Một nhà mấy chục người con
Da mầu da trắng xinh tròn dễ thương
Tháng năm gần gũi học đường
Hóa hình hóa chữ, thịt xương mỏi mòn

» Đáp án

Hộp phấn

Câu 37

Một cây chỉ có lá hoa
Giàu nghèo đều có, gần xa đều trồng
Lá rơi bởi mắt người trông
Làm cho xuân hạ thu đông chuyển vần

» Đáp án

Câu 38

Nhà trăm người dáng hao hao
Trán dô, đầu lớn, thân cao, hiền hòa
Từng người bị bắt đi xa
Bất bình đầu đập tường nhà tự thiêu

» Đáp án

Bao diêm

Câu 39

Nhìn hoài mà vẫn nhói đau
Tàn tro hay đấy tóc mầu muối tiêu?
Thời gian cháy khói hắt hiu
Hỡi ơi, lần lữa hỏa thiêu đời mình

» Đáp án

Cái gạt tàn

Ở đây muốn nhắc đến thơ Hoài Anh:

Mỗi ngày tôi hỏa táng một phần tôi

Những dự định

Những ước mơ

Thành khói

Chiếc gạt tàn thuốc lá hóa bình tro.

Và thơ Cao Xuân Sơn:

Quờ tay chạm mái ưu phiền

Ơ hơ… Đêm gạt tàn trên đầu mình.

Câu 40

Ta vểnh hai sợi râu lên
Cả nhà nghe nhìn thêm tỏ
Cảnh xa, người lạ đây đó
Chính ta bắt, dẫn vào nhà
Ta tinh vi, ta nhậy bén
Cóc cần ai ngắm nhìn ta

» Đáp án

Ăng-ten râu

Khi xem tivi, chẳng ai chú ý đến ăng-ten.

Câu 41

Hơn cánh phản nằm im suốt đêm ngày
Hơn cánh cửa xoay không trọn vòng quay
So cánh chim, kém lắm:
Chẳng bao giờ biết bay

» Đáp án

Cánh quạt

Câu 42

Răng mọc ở lưỡi
Lưỡi mọc ở tay
Ăn ván nhai cây
Suốt ngày gậm, nhả…

» Đáp án

Cái cưa tay

Câu 43

Có ăn kem que đâu nào
Cớ sao từ ấy vận vào tên tôi
Lớn thì lo việc nằm ngồi
Nhỏ đi lao động ở nơi giảng đường

» Đáp án

Miếng mút

Ở các giảng đường hay dùng các miếng mút để lau bảng

Câu 44

Đừng lầm kẻ ở, người đi
Đừng lầm kích thước so bì đúng sai
Rượu ngon, trà đậm, “cốc tai”…
Một đời việc nước không sai tấc lòng

» Đáp án

Cái ly

Ly có nhiều nghĩa như chia ly, ly tấc, chi ly… “Việc nước” ở đây là việc giải khát.

Câu 45

Ôm chân, liếm gót người
Dẫm đạp chẳng chừa nơi
Xưa trơn da, phổng mũi
Giờ há mõm, vều môi

» Đáp án

Giầy da há mõm

Câu 46

Nào ai che mắt ai đâu
Gần xa, mờ tỏ giúp nhau đấy mà
Chắn gió bụi, che nắng lòa
Ra đường “dâm” chút, về nhà hết “dâm”

» Đáp án

Kính đổi màu

Câu 47

Biết gì mà nghĩ?
Thì gật lắc thôi!
Đít bằng gang đúc
Chẳng buông chỗ ngồi
Bụng to, đầu rỗng
Rõ là đồ chơi

» Đáp án

Con lật đật

Câu 48

Đầu là đầu mượn, đầu thuê
Đông tây kim cổ cà kê đủ điều
Hết vua kịch, lại hề chèo
Toàn là chuyện đặt rất nhiều người tin

» Đáp án

Phim Video

Dich vụ cho thuê băng và đầu Video khá phổ biến.

Câu 49

Mùi thiền đã bén từ lâu
Chẳng ưa thì bảo có sâu có dòi
Tôi rầu là bởi thế thôi
Người chê, người lại mê tôi hơn chồng
Xuân sang, giàu có mặc lòng
Bỏ gì thì bỏ, khó lòng bỏ tôi

» Đáp án

Bài viết liên quan

Để lại bình luận