Bình thơ: Ghen (ĐẶNG THU HƯƠNG – Nhà thơ LÊ MINH QUỐC)

bởi Đặng Hấn
24 views
Bình thơ: Ghen

Bình thơ: Ghen (hình minh hoạ, nguồn: freepik)

Bình thơ: Ghen
(Đặng Thu Hương – Nhà thơ Lê Minh Quốc)

Ghen? Chuyện này không lạ. Bời còn yêu thì còn ghen, cũng như còn yêu thì còn tha thứ. Nhiều nhà thơ đã viết về đề tài này. Với tựa Ghen, nhà thơ Đặng Hấn (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) một lần nữa chạm vào đề tài quen thuộc này bằng thể thơ lục bát quen thuộc.

Nhưng người đọc chấp nhận được ở chỗ lý do để ghen. Nó trẻ trung, dí dỏm và khiến ta có thể bật ra tiếng cười thú vị. Mời các bạn cùng chia sẻ tình cảm của nhà thơ qua lời bình của cây bút trẻ Đặng Thu Hương (Nhà thơ Lê Minh Quốc).

GHEN

 

Bạn bè rủ đi chơi xa
Còn em trông nhà, có ngại ngần chi
Nhưng rồi anh lại không đi
Vì anh chợt nghĩ: Em thì ai trông?

(Đặng Hấn)

Nhắc đến Đặng Hấn, có lẽ nhiều người dễ dàng nhận ra tác giả của những bài thơ thiếu nhi hóm hỉnh và trong trẻo. Ngay cả khi viết “thơ người lớn”, ông vẫn giữ được trọn vẹn nét hài hước ấy. Đặng Hấn viết về cái ghen trong tình yêu mà như kể chuyện, một câu chuyện thường nhật, một lời rủ rỉ tâm tình.

Bài thơ có bốn câu thì hai câu đầu hoàn toàn là bối cảnh, lại là một bối cảnh rất bình thường trong cuộc sống, không có gì đặc biệt. Chiều hướng thuận được hé mở: “có ngại ngần chi”. Câu 3 nói lên quyết định cuối cùng, trái ngược hẳn với chiều hướng thuận dẫn đến phán đoán của người đọc ở hai câu đầu và câu 4 là lời giải thích.

Nếu đảo trật tự hai câu cuối, bài thơ sẽ chỉ còn là một câu chuyện bình thường, thậm chí tẻ nhạt. Đặng Hấn không rơi vào tình trạng đó. Chỉ với bốn dòng thơ, câu 3 đóng vai trò bản lề, tác giả đã dựng nên một bài thơ khép – mở thú vị mà đọc lên, không ai không lặng lẽ mỉm cười.

Lời giải thích của nhà thơ rất đơn giản, vì đơn giản mà bất ngờ: anh không đi không phải vì khó khăn gì to tát, chỉ vì nỗi lo “em thì ai trông?”. Người ta nói trông nhà, trông trẻ, có ai lại nói… trông vợ bao giờ! Ý vị của bài thơ, nét hóm hỉnh, duyên dáng của Đặng Hấn chính là ở đó.

Cái ghen ở đây rất nhẹ nhàng mà thực ra cũng chỉ là ghen trong ý nghĩ, nói chính xác là cảm giác không yên tâm của một người chồng trước lúc phải xa vợ dù chỉ trong một thời gian ngắn. Tôi thì lại nghĩ rằng ghen chỉ là cách nói “khéo” của nhà thơ, còn thực ra, đây là một bài thơ “nịnh vợ”, một lời tỏ tình mới đúng.

Sự thật là anh sợ phải xa em, không muốn xa em. Đó mới là cái cớ chính, cốt lõi. Như thế chẳng phải là một cách tỏ tình rất khéo hay sao? Mà suy cho cùng, dù có hiểu anh không đi là vì anh ghen đi chăng nữa thì giá trị “nịnh vợ” của bài thơ vẫn không hề suy suyển.

Có yêu em thì anh mới ghen. Tự muôn đời tình yêu có bao giờ vắng mặt cái sự ghen? Ở đây không phải là cảm giác day dứt, đau khổ, cuống quýt như trong thơ Xuân Diệu, chàng trai ghen cả với những vật vô tri vô giác, hoa lá cỏ cây mà người yêu mình ve vuốt, mà là cái ghen nhẹ nhàng, đúng nghĩa là gia vị tình yêu. Nó thuộc về một thứ tình cảm đằm thắm và giản dị, gắn với những cái thường ngày, hằng sống. Đó là tình cảm vợ chồng, những người đã quen hơi bén tiếng, đã cùng nhau đi qua niềm vui, nỗi buồn trên mỗi chặng đường đời.

Thơ viết về tình yêu đam mê thời tuổi trẻ thì nhiều nhưng mấy ai viết được những dòng thơ về tình yêu đằm sâu thời kì đã thành vợ thành chồng nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà xúc động được như Đặng Hấn?

Bằng cảm giác rưng rưng của chính mình khi đọc những dòng thơ này, tôi chắc rằng người vợ được gọi là em trong đó, chắc hẳn là hạnh phúc.

ĐẶNG THU HƯƠNG (Hà Nội)
(Báo Tuổi trẻ 04/01/2006)

Bài viết liên quan

Để lại bình luận