Câu đố về động vật (29 câu)

bởi Đặng Hấn
202 views

Câu 11

Áo vàng màu nắng
Đốn trắng như sao
Ngơ ngơ ngác ngác
Củi gác trên đầu
Không hiểu vì đâu
Chả ai tin tưởng

» Đáp án

Hươu sao

Từ câu 2, phải nói hươu sao mới chính xác.

Hai câu cuối: người ta hay nói “chuyện hươu”, “tin vịt” là chuyện tào lao, tin tức không có xác minh trực tiếp, không tin được. “Tán hươu tán vượn” cũng như vậy.

Câu 12

Bốn chân, đi guốc
Múa vuốt, nhe nanh
Mày bơi dưới nước
Mày hót trên cành

» Đáp án

Ma

Bằng các kiến thức về sinh vật học ta thấy câu đầu mô tả động vật móng guốc (ăn cỏ), câu sau lại mô tả động vật móng vuốt (ăn thịt), câu 3 nói nó sống dưới nước, câu 4 nói nó ở trên cành, lại biết hót, tức thuộc loài chim. Chữ “mày” trong câu 3 và câu 4 chứng tỏ cả bài thơ mô tả cùng một con vật. Không có con vật nào như vậy, nên nó là “con ma” giống như “Công ty ma”, “Hợp đồng ma”… mà báo chí hay nói.

Đôi điều chú ý: Giải một bài thơ đố gồm nhiều câu, cũng như giải một hệ nhiều phương trình, có thể xảy ra nhiều khả năng khác nhau: có nghiệm duy nhất, vô số nghiệm và vô nghiệm. Trong khi giải đố, các bạn thường nghiêng về hướng nghiệm duy nhất và rất nhiều bạn không quan tâm đến đầy đủ các chi tiết trong các câu khác nhau. Khi thấy câu trả lời đúng với vài chi tiết là coi như đáp án. Sai lầm đó cũng giống như giải một hệ phương trình mà nghiệm lại chỉ thoả mãn một (hoặc một vài) phương trình là không ổn

Câu 13

Dáng hình hệt chúa sơn lâm
Khinh rừng núi chật, về nằm đống tro
Lén rình ăn vụng cá kho
Khoe có học trò là chúa sơn lâm

» Đáp án

Mèo

Câu 1 mèo có hình dáng giống hổ, nên được gọi là “tiểu hổ”.

Câu 2 và 3 nói cá tính sở thích của mèo.

Câu 4 nhắc chuyện cổ tích “Mèo dạy hổ”.

Toàn bài thơ qua hình ảnh mèo và hổ để khái quát một hạng người danh thực ngược nhau.

Câu 14

Nghe tên ngỡ để viết thơ
Nào ai có ngờ sống ở biển khơi
Biết dùng phản lực đi chơi
Cái tên gợi nhớ tính người thẳng ngay

» Đáp án

Con mực

Câu 3 nói cách di chuyển của mực: phun nước ra phía sau để tiến lên phía trước theo nguyên tắc phản lực.

Ở câu 4 muốn nhắc một nghĩa khác của chữ “mực” là “mực thước”, “mẫu mực”, thành ngữ có câu: Thẳng mực tàu, đau lòng gỗ.

Câu 15

Con gì bắt chuột hơn mèo
Lên non lên núi leo trèo vượn khen
Giữa trời bay lượn chim ghen
Ra sông ra biển cá thèm tài bơi?

» Đáp án

Con người

Con người với khả năng tư duy của mình có thể tạo ra các phương tiện để phục vụ đời sống. Nhờ vậy con người vượt xa loài vật ở tất cả mọi lĩnh vực

Câu 16

Bụng bò lại nuốt mồm bò
Bị chân bò giẫm nằm co bên đường

» Đáp án

Chuyện con rắn nước

Câu đố cổ ở miền Bắc hay được các hề chèo nói đến: “Mồm bò mà không phải mồm bò là cái gì?” để đố về con ốc. Câu đố dân gian Nam bộ lại có: “Bụng bò lại nuốt mồm bò” để nói con rắn nước nuốt con ốc (rắn bò bằng bụng, ốc bò bằng mồm) động từ “bò” được dùng để gây nhầm lẫn với danh từ “bò” chỉ con bò (bạn của con trâu). Trong bài thơ này phát triển thêm “chân bò” là chân của con bò. Con rắn ở đây phải là con “rắn nước” thì mới chính xác, vì ốc cũng ở dưới nước. Nó bò lên vệ đường nên bị bò giẫm. Trả lời là “con ốc” cũng không chính xác vì “nuốt” và “bị giẫm” đều nói về con rắn nước.

Câu 17

Thân vừa dẻo vừa mềm
Tên vừa khô vừa cứng
Không chân, đi rất êm
Hay trèo cây, trộm trứng

» Đáp án

Rắn ráo

Các loại rắn thân đều gây cảm giấc rất mềm, rất dẻo. “Rắn” gợi ý cứng rắn, “ráo” là khô ráo. Rắn ráo còn có tên là “rắn săn chuột” hay ở trên cây, trên mái nhà bắt chuột và ăn các loại trứng gà, trứng chim. Trả lời là “Rắn” chưa thực chính xác ở các ý: khô, trèo cây, trộm trứng.

Câu 18

Lên một nơi xuống một nơi
Hàm răng cuối trời, đầu cổ chân mây
Râu, xương làm cảnh đó đây
Con: Trung, Nam, Bắc mỗi ngày một đông

» Đáp án

Rồng

“Thăng Long” (rồng lên) ở Hà Nội, “Hạ Long” (rồng xuống) ở Quảng Ninh.

Cầu “Hàm rồng” ở Thanh Hoá, chín nhánh đầu rồng ở Cửu Long và “Cổ Rồng” ở Tiền Hải, Thái Bình.

Ở câu 3 cây Long tu (râu rồng) và cây xương rồng là những cây cảnh được trồng rất phổ biến.

Câu 4 người Việt Nam thường tự hào là “con rồng, cháu tiên”.

Câu 19

Đầu hay đuôi khó phân minh
Đi khom về cúi, ai rình mà lo?
Ngắn dài mặc sức dãn co
Lấy mình làm thước mà đo mọi người

» Đáp án

Chữ ?

Sâu đo

Ba câu đầu tả hình dáng và cách thức di động của sâu đo.

Câu cuối nhắc: Tên sâu đo do khi nó di chuyển giống động tác đo đạc

Câu 20

Tài, sức mầy ai lạ
Tưởng mầy giỏi thế nào
Núp ô dù sắt đá
Dùng miệng để leo cao
Bao mầm non mày phá
Rồi vểnh râu tự hào!

» Đáp án

Ốc sên

Hai câu đầu muốn nhắc: Chậm như sên, yếu như sên.

Câu thứ ba tả vỏ ốc sên giống hình cái ô chắc như sắt đá.

Ốc sên leo tường hay leo cây bằng mồm, nó hay ăn lá mầm non và có râu hay ngo ngoe như múa.

Bài viết liên quan

Để lại bình luận