Đặng Hấn và “Hoa ngẫu nhiên” (tựa của nhà thơ VƯƠNG TRỌNG cho tập HOA NGẪU NHIÊN)

bởi Đặng Hấn
25 views

Đặng Hấn và “Hoa ngẫu nhiên”
(tựa của nhà thơ VƯƠNG TRỌNG cho tập HOA NGẪU NHIÊN)

Bạn bè vẫn coi Giáo sư Đặng Hấn Là người giỏi thơ nhất trong làng toán. Điều đó cũng không sai. Về mặt thơ cho thiếu nhi, với tập Cầu Chữ Y được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam, anh trở thành một trong số ít nhà thơ làm thơ cho thiếu nhi hay nhất trong toàn quốc trong mấy chục năm qua. Về thơ cho người lớn, tuy anh chưa có thành tựu như thế, nhưng bạn đọc cũng đã thường gặp anh qua một số bài thơ thời chống Mỹ, qua các tập Không Gian Thương, Hạnh Phúc Đơn Sơ và những bài thơ xuất hiện đây đó trên báo chí, tuyển tập, và cũng dễ dàng thấy được cái riêng của thơ anh cũng như “dấu vết nghề nghiệp” in đậm trong thơ.

Đặng Hấn là người có góc cạnh, dễ nổi bật trong một tập thể, trong đám đông với những lời nói thông minh, hóm hỉnh. Với anh, người lạ mau quen, quen rồi xa khó quên không chỉ vì những kỉ niệm ngọt ngào mà đôi khi chỉ vì một lời châm chọc có tính văn nghệ, một lời nhận xét như mũi kim châm cứu điểm trúng huyệt. Hai chữ giáo sư dễ làm người ta nghĩ đến  một người to lớn, bệ vệ, nói năng đề phòng, cẩn trọng từng lời. Về mặt kiến thức toán học, đặc biệt là môn xác suất, anh xứng đáng là một giáo sư, nhưng về hình thức, anh còn lâu mới có được dáng to lớn, bệ vệ, cùng sự cẩn trọng, cân nhắc từng lời. Anh không coi có vấn đề gì quá quan trọng đến mức không thể đùa được, nên trong đời anh thích đùa và  biết tranh thủ đùa cả những khi, những nơi người khác chỉ có nghiêm trang. Mở đầu những chương toán học, cũng như khi nêu ví dụ để sinh viên hiểu sâu vấn đề, anh thường khéo cài chất tiếu lâm làm cho giờ giảng không những bớt khô khan căng thẳng mà có khi mang không khí của sinh hoạt câu lạc bộ! Ai đã học xác suất thống kê thầy Hấn đều được nghe thầy trích lời định nghĩa môn xác suất thống kê (mà thầy nói là của một giáo sư người Pháp) thật chính xác, nhưng cũng rất mực khôi hài: “Môn thống kê như chiếc váy ngắn. Nó gợi mở nhiều ý tưởng thú vị, nhưng lại giấu đi một cái gì cơ bản nhất!”.

Trong đời, anh thích tự trào, nghĩa là đem mình ra châm biếm. Đây là chân dung do anh tự họa:

Dáng thất thểu lang thang
Người  cao cao, ốm ốm
Da tái tái, vàng vàng…

Còn tính tình thì:

Châm chọc chừng kha khá
Thuần tính, lắm khi ngang
Cười vang như kẻ dại…

Ngay khi giới thiệu mình với người đẹp, anh cũng đùa:

Anh tật bệnh giống như Hàn Mặc Tử
Có khác là thơ viết dở, chưa hay
Anh nhan sắc so Trương Chi chẳng kém
Thua một điều: giọng hát chẳng ai say!
(Hỡi người đẹp…)

Tính hóm hỉnh bẩm sinh anh đã sử dụng hết sức đắc địa khi sáng tác thơ cho thiếu nhi, và trong thơ tình yêu lứa tuổi mới lớn, cũng làm cho bạn đọc thích thú. Yêu nhau, ca ngợi nhan sắc của người mình yêu là chuyện thường tình trong đời cũng như trong thơ. Nhưng Đặng Hấn ca ngợi theo cách riêng của anh, độc đáo đến mức làm cho người nông nổi tưởng anh chê người mình yêu khi đọc bài Em chẳng đẹp đâu:

Em ơi, em chẳng đẹp đâu
Không tin, cứ lấy gương Tầu mà soi

Anh lý sự rằng môi thắm, mắt xanh, má lúm đồng tiền… là đặc tính tự nhiên của người con gái! Rồi viết tiếp:

Kể chi suối tóc mát lành
Cứ lười không cắt tóc anh cũng dài!

Thì người đọc, dù nghiêm khắc và chậm hiểu đến mấy cũng không giấu được nụ cười, biết anh đùa, anh trêu và chính anh đang ca ngợi nhan sắc của người mình đang yêu đó!

Chờ đợi người yêu cũng là đề tài quen thuộc của thơ tình yêu. Nhưng bài Một chiều chờ đợi của anh thì không quen thuộc chút nào, bởi anh biết khai thác tâm trạng của người chờ đợi theo cách của riêng mình. Đợi người yêu qua từng giờ người yêu không đến, anh tự tìm cách lý giải cho mình sự chậm trễ của người yêu:

Hai giờ chưa thấy em sang
– Giữa trưa, trời nắng chang chang ấy mà
Ba giờ chưa thấy em qua
– Đâu rảnh việc nhà mà bỏ đi chơi!   

Không phải anh nhầm lẫn gọi hai giờgiữa trưa, mà là anh cố ý, làm cho bạn đọc thấy được cách lập luận vô lý đáng yêu của người đang yêu kiên tâm chờ đợi. Đợi mãi, người yêu vẫn không đến, anh bực mình thốt lên: “Ôi dào, chả đến thì thôi, chả cần”. Nói thế thôi, sự thực anh cần lắm, nên lại tiếp tục chờ. Và bài thơ kết thúc bất ngờ:

Năm giờ
Không đến thật sao?
Lòng dạ cồn cào. Đóng cửa. Anh sang!

Một trong những yếu tố mang lại sự hấp dẫn  trong thơ Đặng Hấn chính là sự bất ngờ như thế. Và đây nữa, bạn đọc sẽ vui thích khi đọc bài tứ tuyệt Phía sau trăng:

 – Phía sau trăng có gì?
Nhìn mắt em, tôi hỏi
Liếc trăng, em nhíu mày
– Chắc lại vài chú Cuội!    

thì “em” đây nếu không phải là tác giả thì cũng là người thấm đẫm cách đùa nghịch của tác giả lắm rồi!

Trong tập thơ này, “dấu vết nghề nghiệp” cũng khá rõ nét. Có nhiều bài thơ viết về hoặc liên quan đến các bộ môn khoa học tự nhiên. Chẳng hạn khi anh nói về cảnh nghèo của cán bộ khoa học, vì ít tiền phải tính toán chi li bằng giọng khôi hài với những thuật ngữ thời hiện đại:

Thời vi tính, tính chi- li
Vài trăm xương, một chút bì có nên
Thôi thì phần cứng, phần mềm
Bỏ nồi áp suất, qua đêm cũng nhừ!

Nhuần nhuyễn nhất, hay nhất là bài Dấu vô cùng. Theo tác giả, khi hai người cô đơn, mỗi người chỉ là một số 0. Nhưng khi hai người yêu nhau, thì:

Hai số không kết lại
Tạo nên dấu vô cùng!

Chính xác cả trong tình yêu lẫn trong toán học!

Xin bạn đọc đừng thắc mắc Hoa ngẫu nhiên là loại hoa gì, cũng đừng mất công tìm kiếm ý nghĩa của ngẫu-nhiên trong toán học, chỉ đơn giản coi tập thơ này đến tay bạn như một bông hoa ngẫu nhiên bạn hái được, một bông hoa có hương sắc riêng, không lẫn với bất cứ bông hoa nào bạn từng quen biết…

Hà Nội, cuối năm 1997
Vương Trọng

Bài viết liên quan

Để lại bình luận