Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

bởi Đặng Hấn
13 views
Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn (hình minh hoạ, nguồn: freepik)

Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

Cùng với Nguyễn Hoàng Sơn, Dương Thuấn,… hiện nay, Đặng Hấn là một nhà thơ viết cho thiếu nhi được nhiều người ưa thích. Các tập thơ của anh: “Cầu Chữ Y“, “Những chuyện thần tiên“, “Hoa thơm trái chín” không chỉ chinh phục được thiện cảm của các độc giả nhỏ tuổi mà cả người lớn. Theo sự cảm nhận của tôi, sáng tác cho thiếu nhi mà được cả người lớn yêu đọc là một tiêu chí quan trọng của sự thành công. Bởi lẽ ở chỗ thẳm sâu nhất trong mỗi người lớn đều ẩn nấp một chú bé con. Khi người lớn chúng ta say sưa đọc truyện cổ tích, truyện An-đec-xen, “Đảo dấu vàng”… thì chính là đứa bé vô hình ấy đọc. Chính vị độc giả tí hon ấy đã lưu giữ được cho ta phần thơ và gạt bỏ được phần ngây.

Chất thơ của Đặng Hấn nằm trong cái nhìn sự vật của anh. Đã đành nhà thơ nào cũng giữ được cái nhìn tinh khôi, nguyên vẹn và mới mẻ. Nhưng Đặng Hấn biết nhận ra những cạnh khía khuất lấp, không ai ngờ trong sự vật đã nhẵn mặt quanh ta. Chính sự đột ngột “lạ hóa” đó đã tạo ra sự khoái trá thẩm mỹ, cảm xúc nghệ thuật. Tuổi thơ ai chả thích chơi chong chóng làm bằng giấy hoặc lá dứa gai. Nhà ai mà chẳng có quạt máy. Chúng cùng quay. Và sự giống nhau này dễ nhận ra. Thường thường người ta cũng chỉ dừng lại ở đấy. Nhưng người thơ Đặng Hấn đã đẩy trí tưởng tượng của mình đi xa hơn: trong sự giống nhau tìm ra sự  khác nhau. Sự khác nhau không chỉ ở kích thước cái bề ngoài “to nhỏ”. Mà sự khác nhau nằm ở chức năng, bản chất:

Quạt quay làm ra gió
Gió làm chong chóng quay

Một đằng (quạt) thì làm việc (quay) để sản ra năng lượng (gió), đằng kia thì quay được là do năng lượng của người khác. Thơ làm ra không phải để nhận thức mà  có ý nghĩa nhận thức, không nhắm nhằm giáo dục mà có ý nghĩa giáo dục. Sự nhận thức và giáo dục thông qua thẩm mỹ đã biến thành tự nhận thức, tự giáo dục – một quá trình bên trong, tự giác. Ở đây, sáng tạo của Đặng Hấn – thi sĩ là ở chỗ biết đưa quạt và chong chóng là những sự vật vốn chẳng có quan hệ gì với nhau vào một cấu trúc để tạo thành quan hệ với gió, nhờ vậy mà phát hiện ra nhiều cạnh khía lý thú!

Đặng Hấn có nhậy cảm về ngôn ngữ, nhất là ở khía cạnh hài. Cũng cái nhìn phát hiện như vậy, ở “Thắc mắc của bé“, Đặng Hấn đi tìm sự khập khiễng giữa tên gọi và vật:

Chỉ biết đi, biết chạy
Sao gọi là con bò?
Thổi kèn ó ò o…
Gà kèn hay gà trống?
Chuyên bò ngang rất thẳng
Sao gọi là con cua?…

Từ và vật không phải bao giờ cũng khớp nhau vì từ, tên gọi chỉ là quy ước, đôi khi võ đoán. Điều ấy, sau Phéc-đi-năng Đờ-Xốt-Xuya thì ai cũng biết cả, nhưng trí tưởng tượng thơ ngây của các em thì lại không biết đến. Bởi vậy các em mới thắc mắc. Nhà thi sĩ đã lợi dụng đặc điểm đó để  tìm ra những quan hệ trái ngược, gây cười: bò/ đi, chạy; kèn/ trống (gà); cua vòng/ ngang (thẳng) như cua…

Cũng ở đây, sự sáng tạo của Đặng Hấn là nối được  những sự vật rất xa nhau: khoảng cách được lấp đầy một cách hứng thú bằng trí tưởng tượng…

… Là một nhà toán học làm thơ, Đặng Hấn đã mang lại cho thơ một cái nhìn sắc sảo, có chiều sâu. Chất thơ của anh óng ánh chất trí tuệ…

(Thơ với lời bình – NXB Lao Động 1994)

Bài viết liên quan

Để lại bình luận