Nhà thơ Đoàn Vị Thượng nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

bởi Đặng Hấn
9 views
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn (hình minh hoạ, nguồn: freepik)

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

Giống như truyện hoặc phim cổ tích có diễn biến ly kỳ, bài thơ này cũng có cái tựa khá hấp dẫn: CÂY ĐÈN THẦN.

Chắc chắn khi đặt bút cấu tứ cho bài thơ, chú Đặng Hấn – tác giả – cũng có tâm trạng hứng khởi quen thuộc: muốn dành cho các em – người đọc – một sự tò mò thú vị. Khai thác từ nỗi tò mò đó, bài thơ có ưu thế là sẽ lôi cuốn được sự tập trung chú ý hơn, và cũng gây nhiều mỹ cảm nơi người đọc – là các em – trong khi “dò” theo từng câu thơ để tìm kiếm “lời giải”.

Nhà em có cây đèn thần
Bóng đèn bằng sắt, không cần thủy tinh

Đây chỉ mới là một lời giới thiệu “táo bạo”, người đọc hoàn toàn chưa hiểu đó là cây đèn gì, chỉ tạm thời biết trước đó sẽ không phải là cái bóng đèn tròn hay là cây đèn “tuýp” vì nó “không cần thủy tinh” mà!

Trong những câu thơ dễ thương tiếp theo, tác giả cũng cố ý không cho thêm một nét phác thảo nào hoặc miêu tả cho thật chi tiết về “cây đèn thần” gì cả. Chỉ thuần túy nêu lên những sự kiện “thần diệu” liên tiếp xảy ra, ấy thế mà, từ những sự kiện không không ấy, hình ảnh “cây đèn thần” dần dần tượng hình (hay tỏa sáng) một cách sống động:

Đặt xoong rau hóa xoong canh
Bắc nồi gạo nếp hóa thành nồi xôi
Khách của bố mẹ đến chơi
Ấm nước lạnh hóa nước sôi pha trà…

Sự sống động đó, một phần là nhờ những từ dân dã quen thuộc được đưa vào trong các câu thơ một cách tự nhiên – đi kèm với những “món” cũng rất quen thuộc trong mỗi bữa ăn hàng ngày với các em: Xoong rau – xoong canh, nồi gạo nếp – nồi xôi, ấm nước lạnh – ấm nước sôi pha trà… Còn từ “hóa” được lặp lại nhiều lần không phải vô cớ và cũng không nhàm. Tác giả muốn nhấn mạnh đến phép lạ mà!

Có thể nói, “đi” hết đoạn thơ trên thì chúng ta thấy rõ hình ảnh “cây đèn thần” sắp sửa hiện ra là cái gì rồi, phải không nào?

Thì đấy, tác giả cũng trả lời ngay bằng hai câu kết, nhưng với một giọng hóm hỉnh:

Cái bếp dầu lửa đó mà
Có tay em đã hóa ra… đèn thần!

Giống y như là đã “gài bẫy” được ta rồi vậy! Nhưng trong giọng điệu “vui vẻ, huề cả làng” ấy thật ra lại có nhắn nhủ một ý nghĩa nghiêm túc nằm gọn trong ba từ “Có tay em”, các em hiểu rồi chứ?

Chính vì hiểu mà chúng ta vẫn cứ thấy thích – và bây giờ cũng có cộng thêm cả nỗi tự hào – khi “dám” gọi bếp dầu lửa quen thuộc ở nhà mình bằng một cái tên đầy màu sắc thần thoại: Cây đèn thần!

Và đó có lẽ là dụng ý lớn nhất của nhà thơ rất tha thiết viết cho các em: Đặng Hấn.

(“Có tay em…!” – Báo Nhi Đồng 21-10-94)

Bài viết liên quan

Để lại bình luận