Nhà thơ Cao Xuân Sơn nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn
Bài thơ có cái tựa đề ngộ nghĩnh “CON MẶC THƠ BA ĐI ĐÓN XUÂN“. Nghe thơ đấy nhưng sao thương cảm quá! Thời nào cũng vậy, “Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu) mà bởi thế nên mỗi khi nhà thơ bàn chuyện cơm áo, nhất là vào dịp Tết đến, xuân về, thiên hạ dễ mủi lòng, cám cảnh lắm thay! Vả chăng, những tháng năm ngặt nghèo khốn khó mới tạm buông tha đại đa số chúng ta đã lâu lắc gì cho cam…
Lĩnh nhuận bút thơ Xuân, đem “quy đổi” ra áo mới làm quà mừng tuổi con, quả là người cha thi sĩ này thiết thực nỗi đời, nỗi đạo! Hãy xem nhà thơ hởi lòng hởi dạ biết bao trong từng lời nựng nịu, nâng niu đứa con yêu bằng cả hồn vía lẫn tâm can:
Con mang chim hót và hoa nở
Con – búp chồi vui mơn mởn non.
Câu chữ run rẩy như có cánh để bay lên, không chỉ vì những chim, hoa, chồi búp của mùa xuân, của trời đất mà còn bởi niềm vui rộn ràng ngay trong lòng người cha. Muốn chia sẻ với đứa con những xúc động không thể che giấu ấy, nhà thơ “lý sự” một cách rất thật thà:
Xuân sang trời đất con chưng diện
Huống nữa là con, mới trẻ con
Già bát canh, trẻ manh áo đẹp…
Hạnh phúc của hai cha con quả đơn sơ, nhưng hình như cũng lớn lao lắm. Thừa thãi, giàu có, tôi chắc người ta sẽ không hiểu nổi niềm phấn hứng có phần hơi thái qua thế kia!
Khổ kết của bài thơ có một so sánh thú vị: “Ba ngỡ con thành bài tứ tuyệt – Vần tươi trong ý, ý thơm vần”. Khá lạ! Hình ảnh đứa con – bài thơ – hương sắc hoa lá mùa xuân lồng trong nhau, hòa quyện, quấn quýt lấy nhau. Nó làm tăng thêm dư vị ấm áp, ngọt ngào của mùa Xuân và tình cha con mà bài thơ đọng lại trong mỗi chúng ta.
Giọng điệu mộc mạc, chân chất. Câu chữ thậm chí hơi cũ. Tuy nhiên, tôi tin tứ thơ này của Đặng Hấn sẽ còn khiến nhiều người nhớ bởi cho dù thế kỷ 21 có sang thì quanh ta chưa phải đã hết những nỗi lo cơm áo. Với nhiều mái nhà, nhiều đứa trẻ đó đây, mùa Xuân hình như vẫn còn là món hàng xa xỉ, ngoài tầm tay với…
(“Yêu trẻ” Xuân Kỷ Mão)