Vài mẩu chuyện về chú Thút

bởi Đặng Hấn
85 views

2. Chú Thút sửa thơ

Cạnh nhà chú Thút có cụ X rất mê sáng tác thơ. Tất nhiên thơ cụ cũng đại loại như “thơ con cóc”. Vậy mà cụ còn bắt con viết lên bìa các tông, đóng khung rồi đem tặng cho các gia đình cụ quý mến. Nhận được thơ, ai cũng tỏ ra cảm động xuýt xoa, đem đặt nơi trang trọng nhất trong phòng khách. Nhưng cứ cụ về là đem cất đi. Khi nghe chó sủa, biết cụ sang chơi, thì lại đem ra bày.

Trong nhà cụ luôn sẵn trà Thái Nguyên và thuốc lào Tiên Lãng loại đặc biệt để tiếp khách mời đến nghe cụ đọc thơ. Chú Thút là người siêng đến nhất. Chẳng biết chú thích thơ hay thích trà thuốc. Nhưng cái khoản khen thơ cụ thì chú không mệt mỏi và rất là có “Khiếu thẩm thơ”.

Ở quê tôi có nghề chạm bạc gọi là “mỹ nghệ”. Có lần cụ tặng cho nhà kia hai câu thơ:

Chồng thì mỹ nghệ, vợ nông nghiệp
Còn đàn con nhỏ là học sinh.

Mọi người nghe còn như thấy sượng sùng, thì chú Thút cứ tấm tắc:

– Hay! Tuyệt vời! Đúng là thơ thần vậy!

Chú tự tay thay một ấm trà mới, rít một hơi thuốc lào mắt lờ đờ ngửa cổ nhả những vòng khói tròn rồi nói tiếp:

– Các vị có biết thơ hay là phải thế nào không? Là phải tự nhiên. Làm thơ mà cứ tự nhiên như nói vậy! Nguyễn Bính sở dĩ được khen cũng nhờ tài đó!

Chú đọc mấy câu từ bài “Lòng mẹ” của Nguyễn Bính:

Gái lớn ai không phải lấy chồng?
Can gì mà khóc, nín đi không!
Nín đi, mặc áo ra chào họ
Rõ quý con tôi Các chị trông…

Nhưng Nguyễn Bính còn phải gọi cụ bằng thầy!

Đúng là không ai tri âm tri kỷ với cụ bằng chú Thút.

Một lần chú đang vót cái cần câu thì con cụ sang mời. Cụ vừa có bài thơ mới.

Chú Thút vội vàng thay quần áo tươm tất rồi trịnh trọng bước sang.

Bài thơ cụ viết vịnh cây dạ hương (loài hoa thơm vào ban đêm mà các cụ lớn tuổi hay bảo là loài hoa đĩ thõa). Cụ trịnh trọng ngâm:

Ban ngày ủ rũ chả ra sao
Tối đến thơm tho ai cũng muốn
Sờ thấy lồm xồm hơi man mát
Sáng ra ủ rũ chả ra sao!

Bài thơ tả cây dạ hương quả là đúng mà lại như có biểu tượng hai mặt khá hóm.

Chú Thút khen. Một hồi sau nói:

– Từ man mát dùng đúng và hay nhưng tội cái câu thơ bị thất luật. Hay ta cứ đọc hơi mát mát cũng lạ vậy.

Cụ X nghĩ một lát rồi gật đầu:

– Chú tinh lắm! Đúng! “Nhất, tam, ngũ, thất bất luận. Nhị, tứ, lục phân minh” phải không? Đồng ý với chú.

Thế là hai bạn vong niên lại cụng ly (lần này thì có rượu quý hẳn hoi chứ không chỉ có trà).

Lát sau chú Thút lại cứ ấp úng như có điều gì khó nói!

– Có ý gì thì cứ nói ra đi! Cụ X giục.

– Nếu cụ cho phép, cháu muốn sửa lại vài từ ở câu thứ hai vì câu này bị “sái vận” đọc không thích lắm! Thơ tứ tuyệt là phải “bốn câu ba vần” như Nguyễn Du tả Thúy Kiều “vạch da cây vịnh bốn câu ba vần” mà lại.

– Cứ sửa! Văn chương là sự nghiệp của mọi nhà, đâu phải chỉ là việc của các thi nhân.

– Nếu vậy thì cháu sửa câu thứ hai là: “Tối đến thơm tho cứ đút vào” và chú ngâm:

Ban ngày ủ rũ chả ra sao,
Tối đến thơm tho cứ đút vào!
Sờ thấy lồm xồm hơi mát mát
Sáng ra ủ rũ chả ra sao!

Cụ X có vẻ chau mày, rồi nói:

– Vần thì vần. Nhưng có vẻ hơi tục.

Chú Thút phản ứng tức thì:

– Tục à? Cháu giận cụ đấy. Thơ văn mà bị chê tục thì còn gì nhục bằng.

Nói rồi chú đứng dậy tìm dép.

Cụ X vội vàng giữ chú lại.

– Gì mà nóng giận vậy. Thì cứ từ từ nói cho ra nhẽ đã nào.

Chú Thút vẻ như miễn cưỡng ngồi lại. Cụ X rót cho chú một ly rượu rồi nói:

– Nào! Chú nói “Tối đến thơm tho cứ đút vào” là nghĩa làm sao?

– Thế cụ đọc “Tối đến thơm tho ai cũng muốn” là nghĩa làm sao?

– Thì cái mùi hương của nó vào ban đêm ai mà không thích ngửi?

– Thế nhỡ cháu không thích thì sao?

Cụ X hơi ngẩn ra. Chú Thút tiếp:

– Có nhiều người thích mùi thơm dịu hơn, không thích nó nồng nặc quá. Thế đấy! Có người thích ngửi. Có người không thích ngửi. Nhưng dù thích hay không, mùi thơm đó vẫn cứ đút vào lỗ mũi mình. Thế nên cháu mới nói “Tối đến thơm tho cứ đút vào”. Chứ cháu có nói cụ hay cháu đút vào đâu!

Cụ X bật cười to.

– Khá! Khá lắm! Trăm phần trăm! Cụ nâng ly đưa về phía chú Thút rồi rút về ực một hơi, nước mắt dàn dụa vừa vị rượu vừa vì thơ!

Để lại bình luận