Câu đố về danh nhân lịch sử (21 câu)

bởi Đặng Hấn
838 views
Câu đố về danh nhân lịch sự

Hình minh họa Câu đố về danh nhân lịch sự (nguồn: Internet)

Câu đố về danh nhân lịch sử được trích từ tập thơ câu đố 1001 bài thơ đợi bạn đặt tên (NXB Thanh niên 2002) và Câu đố xưa và nay (NXB Thanh niên 2004) của nhà thơ Đặng Hấn. Thân mời các bạn cùng đọc và đặt tên cho các bài thơ câu đố về danh nhân lịch sử bên dưới nhé.

Câu đố về danh nhân lịch sử (21 câu)

Câu 1

Kiếm gãy, nhổ tre làm vũ khí
Dấu chân ngựa để những hồ ao
Lên ba dẹp giặc lo còn trễ
Bay chín tầng mây hận chửa cao!

» Đáp án

Thánh Gióng

Hai câu ba và bốn là dịch thơ Cao Bá Quát:

Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn
Đằng vân do hận cửu thiên đê

Câu 2

Tên đẹp – hoa sen đẹp
Đức hiền – hạt gạo hiền
Người cha – đôi mắt mẹ
Tóc trắng – tóc ông tiên

» Đáp án

Phác họa Bác Hồ

Câu 1 nhắc thơ Bảo Định Giang:

Tháp Mười đẹp nhất hoa sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Câu 2 nhắc thơ Xuân Diệu:

Bác hiền như hạt gạo thôi
Chí no thiên hạ, tình nuôi đồng bào.

Câu 3 nhắc thơ Tố Hữu:

Ôi người cha đôi mắt mẹ, hiền sao!.

Câu 4 nhắc thơ Phạm Tiến Duật viết khi Bác đi xa:

Bác là ông tiên tóc trắng
Mặt trời lặn, mặt trời mang theo nắng
Bác ra đi, để ánh sáng cho đời…

Câu 3

“Tam tộc tru di”, máu đỏ làng
Bình Ngô muôn thuở giọng còn vang
Hỡi ơi Thị Lộ – gương tầy… chiếu
Tài sắc mà chi để lụy chàng.

» Đáp án

Vài nét Nguyễn Trãi

Câu 1 nhắc vụ án “Lệ Chi Viên” về cái chết của vua Lê Thái Tôn dẫn đến thảm họa cho Nguyễn Trãi.

Câu 2 nhắc ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ cũng là nhắc đến tài đức và công lao của Nguyễn Trãi đối với dân tộc và triều đình nhà Lê.

Ở câu 3 “gương tầy chiếu” là sửa lại thành ngữ “gương tầy liếp” nghĩa là gương lớn. Gương ở đây là muốn nói đến gương “tài mệnh tương phương” tức là tài và mệnh làm hại lẫn nhau, thường xảy ra trong chế đệ phong kiến cũ. Chữ “chiếu” là muốn nhắc đến giai thoại làm quen nhau của Nguyễn Trãi và Thị Lộ: Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon.

Cả câu 3 lẫn câu 4 muốn nhắc đến cái chết của vua Thái Tôn ắt hẳn có nguyên nhân (hay nguyên cớ) từ tài sắc của Thị Lộ. Và vì cái chết đó mà triều đình dàn cảnh hãm hại Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi tên hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380, quê Hà Đông, mất năm 1442.

Câu 4

Năm trăm năm. Hỏi đã là lâu?
Mây trắng. Kìa ai tóc trắng đầu
Thơ phú tiên tri – lời sấm trạng
Văn chương giáo huấn lẽ nông sâu…

» Đáp án

Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm tên hiệu là BẠCH VÂN cư sĩ. Ông sinh năm 1491, quê Hải Dương, đỗ Trạng Nguyên (1535). Ông được vua Mạc Phúc Hải phong tước Trình Truyền Hầu (1544) (ý so sánh với anh em Trình Di, Trình Hạo ở Trung Quốc giỏi lý số) rồi sau lại phong Trình Quốc Công nên người ta gọi ông là Trạng Trình. Ông có nhiều câu thơ tiên đoán được sự biến động của các triều đại nên sau người đời hay gọi các câu thơ đó là “sấm Trạng Trình”.

Ông có để lại cuốn BẠCH VÂN THI TẬP gồm khoảng 100 bài thơ Nôm và khoảng 100 bài thơ chữ Hán. Thơ ông nặng tính giáo huấn nói về nhân tình thế thái (Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến / Gang không mật mỡ kiến bò chi…), đọc xong ta có thể bắt chước cụ Yên Đổ mà thốt lên: “Lạ nhỉ, người xưa cũng thế ư!”.

Sau đây xin chép ba bài thơ “không đề” của ông để làm rõ “xuất xứ” các câu thơ của bài “thơ chân dung” này.

Bài 1:

Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.

Bài 2:

Thế gian biến cải vũng nên đồi
Mặn nhạt cay chua lẫn ngọt bùi
Còn bạc còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi
Xưa nay đều trọng người chân thực
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi
Ở thế mới hay nguời bạc ác
Giàu thì tìm đến, khó thì lui.

Bài 3:

Làm nguời có dại mới nên khôn
Chớ dại ngây si, chớ quá khôn
Khôn được ích mình, đừng rẻ dại
Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại
Gặp thời dại cũng hóa nên khôn.

Nguyễn Bỉnh Khiêm mất năm 1585.

Câu 5

Thương đều thập loại chúng sinh
Đầm đìa dòng lệ chảy quanh thân Kiều
Chữ TÂM vằng vặc gương treo
Sầu tuôn đứt nối còn nhiều trăm năm.

» Đáp án

Nguyễn Du

Câu 1 nhắc VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH của Nguyễn Du.

Câu 2 nhắc câu thơ của Tố Hữu: Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều có thể xem là câu thơ thuộc loại hay nhất viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Câu 3 nhắc câu Kiều:

Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Đồng thời cũng muốn nói chính Nguyễn Du là tấm gương sáng về chữ TÂM.

Câu cuối muốn nhắc câu thơ chữ Hán của Nguyễn Du trong bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Xuân Diệu dịch:

Ba trăm năm nữa mơ màng
Thế gian ai đó khóc chàng Tố Như.

Có lẽ còn nhiều (chứ không phải chỉ ba) trăm năm nữa vẫn còn nhiều người thương khóc Nguyễn Du. Sầu tuôn đứt nối là chữ của Nguyễn Du tả Thúy Kiều thương khóc Đạm Tiên:

Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.

Nguyễn Du (tên hiệu là Tố Như) quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh, sinh năm 1765 mất năm 1820. Sự nghiệp văn chương chủ yếu dành cho thơ chữ Hán, Truyện Kiều không phải là phần tinh túy nhất của thiên tài Nguyễn Du nhưng vì viết bằng chữ Nôm nên được phổ biến rộng sâu hơn.

Câu 6

Văn vô tiền Hán. Hiếm hoi thay
Sông núi chưa đầy một nắm tay
Nửa kiếp bôn ba tìm kiếm báu
Tròn đời chỉ cúi trước hoa mai
Lệ rơi thấm muội đèn. Làm phúc
Máu nhỏ nên vòng khuyên. Hóa tai!
Trống giục ba hồi… Cha mẹ kiếp
Đế vương muôn thủa dưới chân ngài!

» Đáp án

CAO BÁ QUÁT

Câu 1 nhắc đôi câu đối được phổ biến rộng rãi:

Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường.

Câu 2 nhắc bài TẮM KHE BÀN THẠCH:

Sáng lên Hoành Sơn trông
Chiều xuống Bàn Thạch tắm
Nhặt hòn đá hai nơi
Núi sông không đầy nắm

Hai câu 3,4 nhắc thơ Cao Bá Quát nói rõ tinh thần phản kháng, khí phách anh hùng và tâm hồn trong sạch cao đẹp của Cao Bá Quát:

Thập tải giao luân cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

Câu 5, 6 nhắc chuyện Cao Bá Quát khi làm sơ khảo trường Thừa Thiên thấy một số quyển rất khá nhưng phạm vào tên húy của nhà vua, để khỏi bỏ mất những nhân tài vì những lỗi vớ vẩn, ông đã dùng muội đèn sửa đi. Chuyện bại lộ, bị triều đình hạ tội “giảo giam hậu” (người phạm tội phải thắt cổ chết nhưng tạm giam chưa thi hành).

Hai câu cuối nhắc thơ Cao Bá Quát làm khi bị giết (lúc khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại) và khi bị giam:

Ba hồi trống giục đù cha kiếp
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời

Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương

nghĩa là cả “đế” lẫn “vương” đều bị ông đạp dưới chân.

Cao Bá Quát tên tự là Chu Thần, quê Bắc Ninh, Gia Lâm Hà Nội, sinh năm 1809 và mất năm 1854.

Câu 7

Mắt lòa, lòng rạng sáng ngời
Thuyền văn chở đạo, biển đời bao la
Đâm gian tà, bút chẳng tà
Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương

» Đáp án

Nguyễn Đình Chiểu

Câu 1 nói Nguyễn Đình Chiểu là người anh minh sáng suốt, tuy bị mù lòa, nhưng ông luôn nhìn rõ mọi lẽ phải trái; phân biệt kẻ xấu người tốt, không vì một lợi ích cá nhân nào làm lu mờ được đức trung thực, lòng yêu nước thương dân của ông.

Câu 2 và 3 nhắc hai câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu, tuyên ngôn về quan niệm sáng tác văn học của ông:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Câu cuối là nguyên văn câu thơ nổi tiếng của ông nói về lẽ ghét thương:

Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương.

Nguyễn Đình Chiểu quê Bến Tre, sinh năm 1822, mất năm 1888.

Câu 8

Trong lồng sáo hót
Cần trúc trên vai
Mũ nồi đội lệch
Liên lạc rất tài
Giờ về làm sách
Cho thiếu nhi coi

» Đáp án

Kim Đồng

Bốn câu đầu nhắc lại hình ảnh Kim Đồng (Nông Văn Dền) đi làm liên lạc trong cuộc kháng chiến chống Pháp qua các truyện kể và phim ảnh về anh. Câu cuối nhắc tên nhà xuất bản Kim Đồng, nhà xuất bản lớn nhất nước chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi.

Câu 9

Bồn chồn nghe sấm, nhớ mưa
Nghe gà gáy, nhớ hoa dừa trước sân
Trở về giữ đất, hiến thân
Tên anh – dáng đứng mùa xuân, con đường.

» Đáp án

Lê Anh Xuân

Câu đầu nhắc bài thơ NHỚ MƯA QUÊ HƯƠNG – Giải thưởng báo Văn Nghệ 1961, trong đó có câu Ôi, tiếng sấm từ xa đang rền vang rộn rã cũng là tiếng súng, tiếng trống trận ở Miền Nam thôi thúc nhà thơ. Từ “bồn chồn” cũng muốn nhắc câu thơ Lê Anh Xuân viết về Sài Gòn thời chiến tranh:

Cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy
Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về!.

TIẾNG GÀ GÁY báo hiệu bình minh cách mạng giải phóng và HOA DỪA là tên các tập thơ của Lê Anh Xuân. GIỮ ĐẤT là tên tập văn xuôi của Lê Anh Xuân viết ở chiến trường Miền Nam. Tên thật của tác giả là Ca Lê Hiến (quê ông ở Bến Tre) khi về chiến đấu ở Miền Nam, ông lấy bút danh Lê Anh Xuân và đã hy sinh. Ở TPHCM, hiện có đường Lê Anh Xuân, một con đường nhỏ nhưng đẹp, ngay trung tâm quận 1. Chữ “dáng đứng” cũng muốn nhắc bài thơ DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM của Lê Anh Xuân:

Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên, tỳ súng trên xác trực thăng
và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng
Chợt thấy anh giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân anh lánh đạn
Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tấn công

Vẫn đứng lên im như bức thành đồng
Để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ.

Lê Anh Xuân sinh năm 1940 tại Bến Tre. Hy sinh năm 1968 tại Long An ven Sài Gòn.

Câu 10

Bỏ kiếp sống mòn, nửa đêm vào rừng kháng chiến
Những cánh hoa tàn nở thắm lại theo
Đôi mắt ngạo cười Lý Cường, Bá Kiến
Bát cháo hành thơm tình Thị Nở-Chí Phèo

» Đáp án

Nam Cao

Câu 1 nhắc 3 tác phẩm: SỐNG MÒN (tiểu thuyết); NỬA ĐÊM (tập truyện), Ở RỪNG (nhật ký).

Câu 2 nhắc tập truyện NHỮNG CÁNH HOA TÀN.

Câu 3 nhắc tập truyện ĐÔI MẮT và tập truyện CƯỜI. Hai câu cuối cùng nhắc tác phẩm CHÍ PHÈO và một số chi tiết của truyện.

Nam Cao có tên khai sinh là Trần Hữu Trí, sinh năm 1917 ở làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, Lý Nhân Nam Hà; hy sinh năm 1951 tại Ninh Bình.

Bài viết liên quan

Để lại bình luận