Câu đố về danh nhân lịch sử (21 câu)

bởi Đặng Hấn
837 views

Câu 11

Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Chẳng chia ly cùng bạn đọc bao giờ
Con đuờng ấy nắng ngân vang ngàn chuông nhỏ
Xanh mơ màng đẹp mãi giấc anh mơ.

» Đáp án

Nguyễn Mỹ

Câu 1, 2 nhắc bài thơ CUỘC CHIA LY MÀU ĐỎ nổi tiếng của Nguyễn Mỹ (chép ở sau). Bài thơ ấy cũng như tên tuổi của tác giả không bao giờ “chia ly” với bạn yêu thơ.

Câu 3 nhắc bài CON ĐƯỜNG ẤY:

Con đường nhỏ
Đi giữa hai hàng cây
Cái con đường ấy mình đầy bóng râm
Con hươu sao đã ruỗi nằm
Để nghe những tiếng thì thầm ở trên
Đôi bên là nắng
Thu đã đượm vàng
Nắng bay từng giọt
Nắng ngân vang
Ở trong nắng có một ngàn cái chuông…

Câu cuối nhắc bài GIẤC MƠ XANH:

…Giấc mơ xanh còn xanh mãi của tôi
Là Ô Loan, đầm Mẹ sáng ngời
Con đi, mẹ nhé, triều đang gọi
Nâng dải mơ lên tới đỉnh trời.

Bây giờ xin chép bài CUỘC CHIA LY MÀU ĐỎ:

Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang Đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa

Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đã bừng trên nét mặt
Một rạng đông với màu hồng ngọc

Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình nói tới ngày mai
Ngày mai sẽ là ngày xum họp
Đã tỏa sáng. Những tâm hồn cao đẹp
Nắng vẫn còn ngời trên mắt lá si
Và người chồng ấy đã ra đi

Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm giá rét…
Nghĩa là màu đỏ ấy sẽ theo đi
Như không hề có cuộc chia ly.

Nguyễn Mỹ sinh năm 1935 ở Tuy An, Phú Yên, hy sinh năm 1971 ở Trà My, Quảng Nam.

Câu 12

Anh là ai? Một sinh viên
Tên anh niềm ước bình yên quê nhà
Nghĩa đời đâu chỉ đô la
Trái bom đánh giặc chính là trái tim.

» Đáp án

Nguyễn Thái Bình

Nguyễn Thái Bình còn có tên là Việt Thái Bình, một sinh viên xuất sắc của Miền Nam du học ở Mỹ trong những năm giặc Mỹ đánh phá đất nước ta. Trong thời gian học tại Mỹ, Nguyễn Thái Bình là một sinh viên đấu tranh tích cực chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Anh đã gạt bỏ mọi danh vọng tiền tài mà kẻ thù đưa ra mua chuộc, để chống lại kẻ thù của dân tộc ngay trên đất nước chúng.

Anh bị đưa về giết hại ở sân bay Tân Sơn Nhất ngày 2 tháng 7 năm 1972. Trong bức thư ngỏ gửi nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, có đoạn anh viết: “Trái bom của tôi chỉ là trái tim của tôi. Nó có thể nổ tung để thức tỉnh lương tâm của mọi người…”

Câu 13

Thanh hỏi, thanh ngã, thanh không
Thanh nào cũng một tấm lòng vì dân
Phút thiêng gọi Bác ba lần
Gửi tên làm nhịp cầu xuân vĩnh hằng

» Đáp án

Nguyễn Văn Trỗi

Tin anh Nguyễn Văn Trỗi bị đưa ra pháp trường được truyền ra Bắc bằng vô tuyến nên ít nhiều bị nhiễu. Hơn nữa, tiếng Miền Nam đôi khi không phân biệt dấu hỏi với dấu ngã khi phát âm, nên tên anh được báo chí đăng khác nhau: Nguyễn Văn Trổi, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Trôi. Sau này, bộ Văn hóa đã có quy định bằng văn bản là tất cả các sáng tác dù dùng tên gì vẫn có giá trị.

Câu 3 muốn nhắc bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu:

Hồ Chí Minh muôn năm
Hồ Chí Minh muôn năm
Hồ Chí Minh muôn năm
Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần!

Câu 4 nhắc “cầu Công Lý” đã được đổi tên là cầu Nguyễn Văn Trỗi. Và cũng muốn nhắc câu thơ Tố Hữu:

Anh đã chết rồi
Anh còn sống mãi
Chết như sống, anh hùng, vĩ đại

Câu 14

Quan văn không phạm hơi đồng
Một cây quốc trụ vàng ròng mười mươi!

» Đáp án

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Câu đầu nhắc đôi câu đối lưu truyền trong dân gian:

Ba mươi năm kháng chiến cầm quân, mừng tướng Võ vẫn Nguyên áo Giáp
Cả một đời lo toan việc nước, phục quan Văn không Phạm hơi Đồng.

Câu 2 nhắc một giai thoại: Hồi ở chiến khu Việt Bắc, quanh bàn làm việc của Bác ở nhà sàn có bốn cột, ở đó treo bốn ống bương. Bác gửi công văn cho các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh (Quân, Dân, Chính, Đảng) và Bác nói vui: Đó là tứ trụ của Bác.

Câu 15

Chiến sĩ Việt Nam tiến về Hà Nội
Buồn tàn thu gửi lại Suối Mơ
Cứ ngỡ Thiên Thai mà làng tôi đó
Tiến quân ca tôi hát giữa ngày mùa

» Đáp án

Văn Cao

CHIẾN SĨ VIỆT NAM, TIẾN VỀ HÀ NỘI, BUỒN TÀN THU, SUỐI MƠ, THIÊN THAI, LÀNG TÔI, TIẾN QUÂN CA, NGÀY MÙA là các ca khúc tiêu biểu của Văn Cao được nhắc đến trong bài.

Văn Cao họ Nguyễn. Ông sinh năm 1923 tại Hải Phòng, quê gốc Nam Định, mất năm 1995 tại Hà Nội.

Câu 16

Tướng Võ có tên Văn
Từng tam khí Đờ lát
Lừng lẫy trận chín năm
Vẫn lành nguyên áo giáp.

» Đáp án

Võ Nguyên Giáp

Câu 1 nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp có biệt danh là “Văn”.

Câu 2 nhắc bài thơ TAM KHÍ ĐỜLÁT- ĐỜTÁTXINHI của Tú Mỡ:

Tướng giặc tên Đờlát
Họ Đờtátxinhi
Vùa chết bệnh não gì?
Chẳng qua vì ức đó

Chẳng hay trước khi chết
Tướng có kêu sầu bi
Trời sinh Tátxinhi
Sao sinh Võ Nguyên Giáp!

Câu 3 nhắc cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp với kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ do đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy về quân sự, thơ Tố Hữu:

Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.

Câu cuối là nhắc tên Đại tướng.

Câu 17

Du kích Sông Thao hát bài ca du kích
Hành quân xa vì chiến thắng Điện Biên
Vui mở đường, ta lại vào chiến dịch
Cho Việt Nam – Quê hương tôi thống nhất hai miền.

» Đáp án

Đỗ Nhuận

Trong bài nhắc tên các ca khúc của Đỗ Nhuận rất quen biết với nhiều người: Du kích sông Thao, Bài ca du kích, Hành quân xa, Chiến thắng Điện Biên, Vui mở đường và Việt Nam quê hương tôi.

Đỗ Nhuận sinh năm 1922 tại Hải Dương. Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (đã mất).

Câu 18

Lên ngàn mát lá xanh che
Có anh chiến sỹ lắng nghe nhạc rừng
Giữa vui lòng bỗng rưng rưng
Nghe giông bão nổi giữa chừng bài ca

» Đáp án

Hoàng Việt

Hai câu đầu nhắc các nhạc phẩm: Lên ngàn, Lá xanh, Nhạc rừng.

Hai câu thơ cuối nhắc nhạc phẩm: Tình ca (…Khi cất lên tiếng ca gửi về người yêu quê xa / Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba…). Câu này cũng muốn nói Hoàng Việt đã hy sinh đúng lúc tài năng đang độ chín gây nhiều thương tiếc cho người thân và người yêu nhạc.

Hoàng Việt sinh năm 1928 tại Tiền Giang. Hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1967 (tên khai sinh là Lê Chí Trực)

Câu 19

Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi
Lên đàng hay xuống đường cũng vì giải phóng miền Nam
Tiến về Sài Gòn ta quét sạch quân cướp nước
Phía chân trời bình minh reo vang

» Đáp án

Lưu Hữu Phước

Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Xuống đường, Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn, Bình minh reo vang là các nhạc phẩm nổi tiếng của Lưu Hữu Phước. Ông còn có các bút danh khác như Huỳnh Minh Siêng, Long Hưng, Hồng Chí … Là một nhạc sỹ hàng đầu về thể loại hành khúc của Việt Nam. Sinh năm 1921 tại Cần Thơ (đã mất).

Câu 20

Huyền thoại mẹ hát bên đèn
Mưa rơi rơi, dáng mẹ hiền nghiêng che
Trái tim lớp lớp người nghe
Mãi còn một cõi đi về thong dong
Tay trong tay nối lớn vòng…

» Đáp án

Trịnh Công Sơn

Hai câu thơ đầu nhắc một bài hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn là Huyền thoại mẹ và một vài chi tiết về lời ca.

Hai câu tiếp được các bạn dự thi giải thích theo hai hướng:

  1. Những bài hát của Trịnh Công Sơn, trong đó có bài Một cõi đi về, sẽ mãi mãi còn sống trong trái tim những người yêu nhạc của ông.
  2. Trịnh Công Sơn sẽ còn được bạn yêu nhạc nhớ mãi và trái tim họ chính là cõi đi về của ông.

Câu cuối nhắc ca khúc Nối vòng tay lớn.

Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 tại Đaclak (quê ở Huế), mất năm 2001 tại TP. Hồ Chí Minh.

Câu 21

Xuân chiến khu đã đẹp rồi
Xuân thành phố đẹp gấp mười lần hơn
Chim ơi, đừng hót để… hôn!
Hoa xuân mãi mãi sẽ còn hồng tươi.

» Đáp án

Xuân Hồng

Câu 1 nhắc bài hát Xuân chiến khu.

Câu 2 nhắc bài hát Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh:

Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất quê mình.

Câu 3 nhắc bài hát Mùa xuân bên cửa sổ:

Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau

Chim ơi đừng bay nhé, hoa ơi hãy tỏa hương

Cho đôi bạn trẻ đón xuân về…

Câu cuối muốn nhắc tên nhạc sĩ Xuân Hồng.

Tên khai sinh là Nguyễn Xuân Hồng, sinh năm 1928 tại Tây Ninh (đã mất).

Bài viết liên quan

Để lại bình luận