Đọc thơ viết cho thiếu nhi của Đặng Hấn (TRẦN ĐĂNG KHOA)

bởi Đặng Hấn
124 views
Đọc thơ viết cho thiếu nhi của Đặng Hấn

Đọc thơ viết cho thiếu nhi của Đặng Hấn (hình minh hoạ, nguồn: freepik)

Đọc thơ viết cho thiếu nhi của Đặng Hấn
(Tác giả: Nhà thơ Trần Đăng Khoa)

Đặng Hấn làm thơ từ năm 1964. Khi đó, anh còn là sinh viên Khoa Toán, trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Đến nay, anh đã là tác giả của 12 cuốn sách, bao gồm cả thơ và văn xuôi. Riêng mảng thơ dành cho thiếu nhi, anh đã có tới ba cuốn được đông đảo bạn đọc rất đỗi yêu mến: Cầu Chữ Y (1986), Những chuyện thần tiên (1997), Sài Gòn và bé (1998).

Viết cho thiếu nhi vốn là công việc không mấy dễ dàng. Nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi, để có được tác phẩm hay cho các em, tâm hồn ta phải trong. Càng già, càng từng trải thì tâm hồn lại càng phải trong vắt. Có thế mới “chơi” với con trẻ được. Nhà thơ Huy Cận cũng có lần tâm sự: “Để viết hay được cho trẻ em, chúng ta phải hiểu biết nhiều lắm, hiểu trẻ con đã đành, còn phải hiểu cả người lớn nữa.” Mà cũng phải thôi! Một tác phẩm đích thực viết cho thiếu nhi, phải là một tác phẩm trẻ em đọc thích, người lớn đọc cũng thích, càng từng trải, đọc lại càng thích. Kinh nghiệm của An-Đec-Xen, của Mác Xắc và nhiều tác giả lớn trên thế giới viết cho các em đã cho ta bài học như vậy. Bởi lẽ trong bất cứ một đứa trẻ nào cũng có một người lớn đang hình thành và trong bất cứ người lớn nào cũng có một đứa trẻ không bao giờ già đi.

Đặng Hấn là nhà thơ đích thực viết cho thiếu nhi. Tôi gọi anh là nhà thơ đích thực, để phân biệt anh với rất nhiều cây bút làm thơ cho thiếu nhi khác. Đặng Hấn có rất nhiều bài thơ vươn được tới con trẻ mà vẫn chinh phục được cả người lớn. Anh đã hai lần được Hội Nhà Văn trao giải thưởng cho mảng văn chương rất khó viết này. Việc trao giải thưởng văn học cho anh là chuẩn xác. Có thể nói, cùng với Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Hoàng Sơn, Đặng Hấn là nhà thơ đặc sắc của con trẻ. Cái tài của Đặng Hấn là ở khả năng phát hiện những điều mới mẻ ngay trong những cái cũ rích mà ta vẫn gặp hàng ngày. Đây là một cây cầu rất quen thuộc, ta vẫn thường đi qua và không mấy ai để ý:

Cầu nào cũng chữ I
Nhưng chỉ là I ngắn
Cầu quê em lạ lắm
Làm hẳn chư Y dài

Xoáy nước tung bọt cười
Xuồng ghe trôi như hội
Đoàn người xe vồi vội
Chẳng lạc lối khi nào…

Bài thơ chỉ có mười câu thì đã hết mất tám câu rồi. Trong cả tám câu này, vẫn không thấy thơ đâu cả. Một đống chữ mòn nhẵn. Lối tả và kể cũng mòn. Ta vẫn gặp những câu thơ giản đơn đại loại như thế này trong nhan nhản những tập thơ viết cho thiếu nhi. Thế rồi đột ngột, Đặng Hấn buông hai câu kết:

Ô! Người đi trên chữ
Chữ nâng người lên cao!

Thì bài thơ đã vượt qua chuyện tả cảnh thông thường rồi. Hóa ra Đặng Hấn bài binh bố trận rất kỹ lưỡng. Cả tám câu đầu là bước chuẩn bị cho cái cú thăng thiên ngoạn mục này. Thảo nào, ngay từ câu thơ đầu, anh đã ém binh, bàn đến chữ Y dài với I ngắn. Bài thơ là cả một sự sắp đặt, bố trí
mà vẫn cứ tự nhiên như không. Câu kết bất ngờ đã cứu được toàn bộ bài thơ , biến những con chữ làng nhàng thành mới mẻ, đưa đến cho ta một phát hiện thú vị, rất sâu sắc mà vẫn không khiên cưỡng, vẫn giữ được cái nhìn hồn nhiên, ngộ nghĩnh của con trẻ.

Thơ thiếu nhi của Đặng Hấn luôn cho ta cái khoảnh khắc bất ngờ và thú vị như thế. Anh luôn làm cho ta ngạc nhiên từ những chuyện rất đỗi thông thường. Thì còn có gì  quen thuộc hơn chú trâu nữa? Vậy mà lạ không, qua con mắt hóm hỉnh của Đặng Hấn, ta như lần đầu tiên mới nhìn thấy
chú. Mà thôi, hãy nghe chú tự giới thiệu về mình:

Họ hàng tôi rất điệu
Đi guốc cả gái trai
Tiếng đàn, tiếng nhạc
Tôi bỏ ngoài tai!

Với chú trâu vốn coi khinh đàn, nhạc này thì chỉ có đồng cỏ là tuyệt nhất. Đồng cỏ chính là Thiên Đàng. Bởi thế, gặp con trẻ là chú mời lên Thiên Đàng ngay và sẵn sàng phục vụ :

Bạn muốn thăm đồng cỏ
Xin làm ô tô ngay
Ô tô lại có
Ghi đông mới tài!

Đúng là cái nhìn rất ngộ nghĩnh của con trẻ. Với cái nhìn ấy, Đặng Hấn ngắm biển. Mà cũng thú vị thật:

Biển reo vui ào ạt
Khi bãi có chúng em
Biển xô vai người lớn
Hắt sóng vào trẻ con…

 

Chiều, biển trở nên buồn
Khi chúng em rời bãi
Nước dâng tận bờ dương
Muốn cùng lên xe đấy…

Giả sử Đặng Hấn dừng lại ở đây, thì bài thơ cũng đã đủ thành một bức tranh sinh động vui vui. Nhưng nếu thế, anh cũng sẽ lẫn với rất nhiều cây bút viết cho thiếu nhi khác. Đặng Hấn đẩy lên một mức nữa. Và đoạn này mới thực sự làm cho ta thấy thú vị:

Biển ơi, chờ chút nhé
Hình như còn chỗ ngồi
Nhưng biển to lớn thế
Ta đành tạm biệt thôi…

Đành tạm biệt vì biển to lớn quá, không thể lên xe ô tô. Thế thì to lớn mà làm gì. Hóa ra biển khổ thật, chẳng được đi chơi như con trẻ.

Thơ Đặng Hấn thường là thế. Đọc anh, không bao giờ bị “lỗ” trắng. Hầu như bài nào cũng có những đoạn, những ý rất ngộ nghĩnh, hóm hỉnh và thông minh. Ngay cả những bài bình thường, không có gì đặc sắc, anh vẫn có những câu thơ hay, găm được vào trí nhớ người đọc. Ví như câu thơ tả con mắt trẻ con:

Trong như nước
Sáng như sao
Mở ra là thực, khép vào là mơ…

Một trong những nét đặc sắc nữa ở Đặng Hấn là anh có tài làm lạ hóa những cảnh sắc, đồ vật đã trở nên quen thuộc, nhàm chán, biến chúng thành những nhân vật kỳ ảo. Còn gì cũ kỹ hơn là cái bếp dầu hỏa? Vậy mà chẳng biết bằng cách nào, Đặng Hấn lại nhìn ra nó là cây đèn thần kỳ diệu

Nhà em có cây đèn thần
Bóng đèn bằng sắt, không cần thủy tinh
Đặt xoong rau, hóa xoong canh
Bắc nồi gạo nếp, hóa thành nồi xôi
Khách của bố mẹ lại chơi
Ấm nước lạnh, hóa nước sôi pha trà

Thế thì đúng là cây đèn thần thật rồi. Nghĩa là nó có tài phù phép, biến hóa y hệt như trong chuyện cổ tích. Người cho cây đèn phép thần mầu nhiệm ấy lại chính là em bé:

Cái bếp dầu hỏa đấy mà
Có tay em đã hóa ra đèn thần…

Phải là người yêu trẻ con lắm, Đặng Hấn mới có thể viết được như thế. Chính lòng yêu con trẻ đã cho Đặng Hấn phép màu, khiến anh nhìn vào đâu cũng thấy thơ, kể cả những cảnh, những vật rất đỗi quen thuộc, tầm thường, ta gặp rồi bỏ qua, Đặng Hấn vẫn có thể dựng được thành những đồ chơi xinh xẻo, khiến trẻ con thích thú và người lớn cũng thấy chúng thật gần gũi, mến yêu.

Hà Nội 15-9-2000
(Báo Nhân Dân 31-
10-2000)

Bài viết liên quan

Để lại bình luận