Nhà thơ Lê Quốc Hán nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

bởi Đặng Hấn
20 views
Nhà thơ Lê Quốc Hán nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

Nhà thơ Lê Quốc Hán nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn (hình minh hoạ, nguồn: freepik)

Nhà thơ Lê Quốc Hán nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

“Mở ra là thực, khép vào là mơ”
(Hay thế giới non tơ trong thơ Đặng Hấn)

Đặng Hấn vừa là nhà toán học, vừa là nhà thơ. Anh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Phó Giáo sư và được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam. Đặng Hấn dành gần trọn sự nghiệp văn chương của mình để sáng tác cho thiếu nhi. Anh lần lượt cho ra mắt độc giả 8 tập sách thiếu nhi, trong đó có bốn tập thơ. Có lẽ, Đặng Hấn là một trong số ít những tác giả hai lần được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng về văn học thiếu nhi với các tác phẩm Cầu chữ Y (1986) và “Sài Gòn và bé” (1998).

Cũng như nhiều tác giả viết cho thiếu nhi tài hoa khác, Đặng Hấn có một khả năng quan sát tinh tế và nhạy cảm tuyệt vời. Trước hết, đó là sự quan sát bằng đôi mắt xanh non, hồn nhiên và ngộ nghĩnh của trẻ thơ:

Trái điều ngủ để hạt ra
Trống choai ngủ gật, ngủ gà góc sân
Vịt con ngủ đứng một chân
(Đi thăm xứ ngủ)

Sự quan sát của Đặng Hấn không chỉ bằng mắt thường mà con bằng con mắt của trí tuệ:

Trong như nước, sáng như sao
Mở ra là thực, khép vào là mơ
(Con mắt)

Đây chính là một nét riêng, rất riêng của thơ Đặng Hấn. Anh có một trường liên tưởng khá rộng. Đôi khi, đó là sự liên tưởng cùng phương:

Đàn ong làm phép trừ
Trừ rét bằng mật ngọt

 

Bầy chim làm phép chia
Chia niềm vui tiếng hót

 

Tia nắng làm phép nhân
Trời sáng cao rộng dần

 

Vườn hoa làm phép cộng
Số thành là MÙA XUÂN
(Các nhà toán học mùa xuân)

Tuy nhiên, Đặng Hấn thường hay liên tưởng ngược chiều, có khi đến đối lập. Nhờ cách liên tưởng này mà sự vật, hiện tượng được miêu tả bộc lộ bản chất sâu xa của chúng:

Cái trống thì kín như bưng
Mềm như con rắn tưởng chừng không xương
(Kể cho bé nghe)

Gà to đẻ trứng nhỏ
Gà nhỏ đẻ trứng to
Giống gà gì thế nhỉ?
– Lơgo!
(Chuyện gà chuyện trứng)

Sự liên tưởng chỉ thực sự có ích khi người làm thơ biết đặt vào trong ấy những rung động sâu xa của tâm hồn. Nhiều lần, Đặng Hấn đã làm được điều này. Đó là khi trí thông minh, sắc sảo của nhà khoa học trong anh biết hòa vào cảm xúc đằm thắm của tâm hồn nhà thơ. Có một lần, sự hòa hợp ấy đã giúp anh viết nên một bài thơ thiếu nhi vào loại hay nhất của đời thơ anh: Cầu chữ Y với hai câu kết thật tài hoa:

Ô! Người đi trên chữ
Chữ nâng người lên cao

Sau này, Đặng Hấn còn cố gắng tìm lại những phút thăng hoa như vậy, và đôi lúc anh đạt được những thành công nhất định. Ấy là khi anh phát hiện ra:

Quạt quay làm ra gió
Gió làm chong chóng quay!
(Quạt và chong chóng)

Người ta thường nói, cái đáng quí nhất của nhà thơ là từ những sự vật tưởng chừng rất đỗi quen thuộc vẫn phát hiện ra những điều mới mẻ, thú vị. Nhưng có lẽ, cống hiến quan trọng của Đặng Hấn còn là phát hiện cái mới lạ trong những sự vật mới lạ. Khi cả nước đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khi cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới với những thành tựu rực rỡ của công nghệ thông tin, Đặng Hấn đã vượt lên để hòa nhập cùng nhịp sống mới đầy biến đổi. Ta bắt gặp trong thơ Đặng Hấn nhiều bài thơ viết về điện; về các công cụ và đồ dùng bằng điện, và cả những người thợ điện nữa: Điện, Dòng điện, Chuông điện, Phép màu thần tiên, Rước đèn trong máy vi tínhHãy nghe Đặng Hấn viết về các dụng cụ bằng điện:

Chỉ cần bật chiết nút
Bỗng có người hát ca
Lạ chưa, chính người đó
Đang hát ở phố xa
Bỗng có ngàn khán giả
Vừa vỗ tay vừa la
Hai đội bóng quốc tế
Tranh giải trong… góc nhà
Khép cửa là Đà Lạt
Sài Gòn ở ngoài hiên
Già Tuyết nấp trong tủ
Mời bé lại ăn kem
(Phép màu thần tiên)

Phản ánh những vấn đề có tính thời sự, cập nhật hàng ngày, với thơ người lớn đã khó, với thơ thiếu nhi càng khó hơn. Nhưng là một nhà thơ trưởng thành từ thời chống Mỹ, một người có ý thức công dân cao, Đặng Hấn đã vượt qua mọi trở ngại để sáng tác nên những vần thơ rất hay về những cái tưởng chừng rất khó đưa vào thơ:

Trong vẻ đẹp giàu thành phố
Bé ơi, có bé góp phần
Nếu thiếu tiếng cười trẻ nhỏ
Sài Gòn hỏi có còn Xuân
(Sài Gòn và bé)

Thơ thiếu nhi của Đặng Hấn có một không gian rất rộng và một nội tâm rất sâu. Anh viết về mọi miền quê hương đất nước, từ thành phố Sài Gòn nơi anh đang sống đến Thái Bình “quê hương năm tấn” nơi chôn rau cắt rốn của anh. Thế giới thi ca của anh còn được mở rộng đến những miền đất khác trên quả đất (Tháp Pizơ), thế giới trong giấc ngủ (Đi thăm xứ ngủ) hay những thế giới thần tiên do trí tưởng tượng anh tạo nên. Ở mỗi thế giới ấy, anh quan tâm đến mọi loài vật, từ loài nhỏ bé như con ve, con ốc sên đến những con vật to lớn dữ tợn như voi, hổ (“Con ve vui“, “Xem hổ“, “Hội thảo về voi“). Thế giới ấy đầy sống động với tiếng “reo vui ào ạt của biển”, với tiếng gió

lúc rì rầm thủ thỉ
lúc ầm ào hát ca
(Gió)

Thế giới ấy có đủ những con người luôn yêu thương, đùm bọc nhau:

Mỗi người chỉ một con tim
Mà sao chứa đủ trăm nghìn yêu thương?
(Số 1)

Trong thế giới thơ Đặng Hấn, ta gặp lại nhiều lần hình ảnh bà nội, bà ngoại, cha mẹ, cô giáo, bác công nhân… với những lời trân trọng, yêu thương. Nhưng hình ảnh trung tâm của thế giới thơ Đặng Hấn bao giờ cũng là bé. Nó như mặt trời trên bầu trời ban ngày, như vầng trăng trên bầu trời ban đêm. Chữ bé ấy có thể được viết hoa, có thể mang một cái tên cụ thể: Bé Phương, Bé Hân…, có thể là một cái tên rất chung cho mọi nhân vật ở lứa tuổi thần tiên. Dường như, cả thế giới sinh ra đều được đặt dưới chân bé, nâng niu nuôi dưỡng dạy dỗ bé. Và cũng dường như bé sinh ra để làm cho thế giới ấy thật sự sống, thật sự vui tươi

Trong nhà từ bố mẹ
Ai ai cũng vâng lời
Thế mà chỉ mình cháu
Được nội khen ngoại thôi
(Bà Nội)

Đọc thơ Đặng Hấn, ta thấy anh như một người thầy phù thủy cao tay, đã tự biến mình thành đứa bé với những vui buồn trong trẻo, những yêu thương ngọt ngào và những phát hiện bất ngờ ngộ nghĩnh. Rồi chính ta cũng bị thơ anh biến thành cậu bé tự lúc nào.

Thành phố Vinh, Thu 2000
(“Thế giới trong ta” số 214 – số đặc biệt 20/11/2000
và “Thế giới mới” số 415 tháng 11/2000)

Bài viết liên quan

Để lại bình luận