Nhà thơ Hoài Anh nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

bởi Đặng Hấn
52 views

Nhà thơ Hoài Anh nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

Đọc “Búp trên cành”

(Tập thơ viết cho thiếu nhi của Đặng Hấn, NXB Văn Học, 2001)

Đọc phần “Các nhà văn viết về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn” in trong tập Búp trên cành, với sự có mặt của 20 nhà văn đủ các thế hệ, tôi thấy những điều cần nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn, các anh đã nói đủ và nói hay, tôi hầu như không thể thêm một lời nào vào nữa. Nhưng tôi nhận thấy có những bài thơ được nhiều anh trích dẫn, nhưng có những bài ít được chú ý đến. Riêng tôi thì tôi lại thấy những bài không được ai trích dẫn, lại có cái hay riêng của nó.

Cái hay ấy là ở chỗ tự nhiên, thanh thoát, không sắp xếp gò bó, chất triết lý toát ra một cách hồn nhiên mà sâu sắc. Như bài Mèo và hổ:

Có phải mèo sống lâu
Thành hổ không hở mẹ?
Không, hổ còn tí nhau
Đã là con hổ bé! 

Người xưa nói: “Lão ô bách tuế bất như phượng hoàng sơ sinh” (Quạ già trăm tuổi không bằng phượng hoàng mới sinh), ở đây ý ấy đã được diễn tả rất giản dị mà linh hoạt, đây cũng là đặt vấn đề đánh giá mọi vật theo quy luật giá trị. Hay bài pháo chết:

Một tràng pháo nổ
Tất cả tan tành
Những chiếc nguyên lành
Chính là… pháo chết

Ở đây, tác giả không đặt vấn đề kiểu bi quan tiêu cực như Nguyễn Hữu Chỉnh: “Kêu lắm lại càng tan tác lắm”, mà đặt vấn đề một cách tích cực: Đã là con người thì phải hành động, chấp nhận hy sinh vì nghĩa lớn, chứ nếu ù lỳ, bất động thì sống cũng như chết.

Đặng Hấn đưa ra những nghịch lý, rồi chứng minh ngược lại, thấy là rất thuận lý. Như bài Con lắc

Lạ thay cái con lắc
Chết lặng lúc bình yên
Bị người xô, kẻ đẩy
Lại bất ngờ khỏe lên!

Chỉ có gian nan mới tỏ tài anh hùng, có trắc trở mới kích thích cho người ta phải phấn đấu, để giành lấy thành công, bởi vì: “Chiến đấu không gian lao thì thắng trận không vinh hiển”.

Hay bài Tháp Pizơ

Tháp Epphen nổi tiếng về cao
Nổi tiếng về to là Kim Tự Tháp
Mỗi kỳ quan một cách nổi tiếng riêng
Như tháp Pizơ nổi tiếng chỉ vì…nghiêng

Con người ta phải biết phô ra mặt độc đáo, mặt sở trường của mình, chứ đừng “đem cái sở đoản đập túi bụi vào người ta”, như Nguyễn Tuân nói.

Bài Con ve…sầu có giọng thơ giống như bài “Con ve sầu và con kiến” của La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, nhưng lại có cách khai thác rất sống, rất trẻ thơ:

Vẻ vè ve
Suốt mùa hè
Đi tìm sấu
Đi trèo me
Đầu bêu nắng
Mũ không che
Biếng ăn, ngủ
Nói không nghe
Hôm nay bệnh
“Gầy xác ve”
Trông “sầu” quá
Nằm khóc nhè:
Vè,vè,vè…

Cách chơi chữ, tượng hình, tượng thanh ở đây rất tự nhiên, không gò gẫm, lại đi liền một hơi, giống như đồng dao.

Bài Đi thăm xứ ngủ có thể dùng làm bài hát ru các cháu bé, nhưng bên cạnh cái vui hóm, nghịch ngợm, vẫn đậm đà chất trữ tình:

Trái điều ngủ để hạt ra
Trống choai ngủ gật, ngủ gà góc sân
Vịt con ngủ đứng một chân
Củ khoai cởi trần, ngủ đĩa mật ong
Rượu bia ngủ giấc say nồng
Trái mơ nằm mộng mà lòng vẫn chua

Tôi thấy hai câu sau hình ảnh và ý tứ quyện chặt với nhau khăng khít hơn mấy câu trước, nhưng có bạn đã bỏ qua, không trích

Vich-to-huy-gô có bài “Khi trẻ con ló mặt”, ở đây, Đặng Hấn cũng có cách nói riêng của mình trong bài Nếu không có bé trong nhà:

Nếu không có bé trong nhà
Ngày vui, ai thắt nơ hoa cho mèo
Trung Thu, đèn sáng, trăng treo
Ai cho ba mẹ ăn theo bánh quà?
Tùng dinh, rồng rắn hò la
Ông bà dẫn trước, vịt gà theo sau
Những ngày bé bệnh, bé đau
Ông buồn, chẳng biết đi đâu, làm gì
Ba buồn, ba nghỉ chơi bi
Mẹ buồn, mẹ chả chơi đi trốn tìm
Mèo con buồn ngủ lim dim
Tay bà sợi chỉ cây kim thẫn thờ

Cũng cái ý “Tất cả bất ngờ hóa trẻ con” trong bài Ra biển của Đặng Hấn, nhưng ở đây được thể hiện nhuần nhuyễn hơn, hài hòa trong một thế giới thần tiên được dựng lên bằng phép mầu của thơ ca, mà khoảng cách giữa thơ viết cho thiếu nhi và thơ trữ tình của người lớn hầu như đã rút ngắn lại.

(Rút từ tập TÌM HOA QUÁ BƯỚC NXB Văn Học 2001)

Bài viết liên quan

Để lại bình luận