Nhà thơ Trần Mạnh Hảo nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn
Ai bảo toán học không mơ mộng và tươi non xin hãy đọc thơ Đặng Hấn. Anh sinh quán tại Thái Bình nhưng lại vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và dạy toán ở một trường đại học. Anh biết trừ đi mọi phiền muộn lo âu của cuộc đời, để cộng vào sự ngọt ngào của cõi sống, cộng vào sự hồn nhiên của đất trời, rồi lại nhân lên với niềm say mê của tâm hồn anh, đặng chia cho chúng ta sự thú vị là những bài thơ nho nhỏ xinh xinh trong tập thơ viết cho thiếu nhi này với tựa đề Hừng Đông. Trước tập thơ này, Đặng Hấn đã có tập thơ khá nổi tiếng là “Cầu Chữ Y” cùng các tập” Những chuyện thần tiên” và “Hoa thơm trái chín”. Dùng đôi mắt trẻ thơ để nhìn thế giới, Đặng Hấn dường như cảm thấy mình lúc nào cũng được sinh ra đồng thời với tạo vật, trong các công thức toán học tưởng chừng khô khan kia chợt gáy lên một tiếng ve, tấu lên một tiếng gà như tiếng oa oa chào đời của Hừng Đông ngày mới. Hóa ra, anh đã tìm thấy tâm hồn trẻ thơ của mình ở khắp mọi nơi trong hoa và ong, trong xanh và đỏ. Anh trả lại sự sống cho con heo đất, trả ý nghĩa lại cho cái nhà cười, tham gia cuộc rước đèn trung thu trong máy vi tính với cậu con trai mình như tham gia vào ngày hội của trời đất. Do đó, vầng trăng trung thu không chỉ nằm trên trời mà nó còn vành vạnh ở nơi nào có niềm vui trẻ thơ. Anh là nhà sưu tầm trăng rằm, hái sự tỏa sáng vĩ đại và dịu dàng vũ trụ về như hái hoa, hái bướm:
Trăng trong chiếc bánh trung thu
Bổ đôi trăng hiện, hệt như hột gà
Lạ chưa từ chiếc com-pa
Bé quay tròn bỗng hiện ra trăng rằm
(Trăng ở đâu)
Nhà thơ đã dùng chiếc compa sở trường toán học của tâm hồn mình để tìm vầng trăng thơ trên trang giấy bình thường của cuốn vở đời sống.
… Trong bài thơ “Chuyện bà”, Đặng Hấn khuyên người lớn đừng để mất đôi mắt trẻ thơ chính là đôi mắt của tâm hồn con người. Anh phát hiện ra điều ngạc nhiên của trẻ thơ, cái mà do mưu sinh, người lớn đã quên đi bản chất của con người để nuôi dưỡng cái thiện mỹ: “Bố to lớn vậy, xưa cũng lên ba” hoặc “từ ông đến bà, ai ai cũng có, một thời lên ba”. Nhà thơ đã tìm hộ cho ta cái tuổi lên ba của toán học, của thơ ca, của tạo hóa mà thiếu hồn trẻ thơ, tất cả chỉ còn lại công thức và máy móc. Cám ơn nhà thơ Đặng Hấn đã tặng cho chúng ta tuổi lên ba của hồn mình, để đọc tập thơ này của anh xong, đôi mắt chúng ta không còn như cũ nữa mà đã xanh biếc khói sương mơ mộng.
Trong như nước
Sáng như sao
Mở ra là thực
Khép vào là mơ
(Mắt trẻ thơ)
Sài Gòn 9-9-1995
(Trích lời tựa cho tập “Hừng Đông” chưa in)