Câu đố về thiên nhiên & tình cảm (41 câu)

bởi Đặng Hấn
929 views

Câu 11

Áo lượt quần là đủ vẻ tươi
Mặt sông, hồ, biển thẩy gương soi
Khi như chạy giặc, khi lơ lửng
Nhớ mẹ về thăm, nước mắt rơi.

» Đáp án

Mưa

Câu cuối nói về hiện tượng mưa: Mây là nước bốc hơi lên và khi mưa lại trở về với nước.

Câu 12

Không trồng, chẳng phải bón chăm
Có mùa thu hoạch hằng năm rành rành
Cây cao, không lá, không cành
Hạt gieo vườn ruộng, mọc xanh lúa màu

» Đáp án

Mưa

Phía Nam nước ta mỗi năm chia 2 mùa: “mùa khô” và “mùa mưa”.

Câu 3, 4 lấy ý từ câu đố dân gian: Cây cao ngàn trượng / hạt nhỏ li ti… Khi mưa xuống, lúa màu đều xanh tốt, hạt nẩy mầm.

Câu 13

Mắt vui như thể nắng ngời
Môi vui luôn nở nụ cười như hoa
Tính tình hiền hậu, dịu hòa
Đón chào, cây cỏ mượt mà như tranh
Thích mai, đào, bánh chưng xanh
Thích ăn củ kiệu, củ hành dầm chua…

» Đáp án

Nàng Xuân

Bài thơ viết theo lối nhân cách hóa. Ta có thể đọc lại như sau:

Mắt nàng xuân như nắng ngời
Môi nàng xuân nở nụ cười như hoa
Nàng xuân hiền hậu dịu hòa v.v..

Câu 14

Như chiếc gương trong đặt giữa trời
Soi đàn chim lượn, áng mây trôi
Sen soi môi thắm, dừa soi tóc
Trăng ngắm dung nhan, sửa nét cười…

» Đáp án

Mặt nước trong xanh

Nhà thơ Phạm Hổ có bài thơ Gương:

Gương nhỏ trong tay người
Gương lớn để ngoài trời
Cái ao soi sen nở
Cái hồ soi mây trôi.

Đặng Hấn, hồi chiến tranh chống Mỹ có bài thơ Cái hố phòng không trên đường Thợ Nhuộm với 2 câu kết:

Xưa nay vẫn chuyện bình thường
Ở đâu nước cũng là gương soi trời.

Câu 15

Tôi sinh ra đã từ lâu
Giúp người thân ở xa nhau chuyện trò
Tâm tình sâu nặng đừng lo
Tính tôi kín đáo giữ cho vẹn tuyền
Nhưng sao thủ tục đầu tiên
Lôi tôi vào cuộc để phiền danh tôi.

» Đáp án

Phong bì thư

“Thủ tục đầu tiên” là “tiền đâu?” nói về các hiện tượng tiêu cực “phong bao” làm ảnh hưởng đến nét đẹp tinh thần của phong bì thư.

Câu 16

Tên như câu hỏi ở đời
Long lanh gợi nhớ mắt người cách xa
Nở bừng như một bông hoa
Là nhân của trái bao la đen huyền.

» Đáp án

Sao

“Sao” hay “vì sao” đọc lên nghe như một câu hỏi (Tiếng Anh là “Why?”).

Câu 2 nhắc thơ Nguyễn Bính:

Sao Hôm như mắt em hôm ấy
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu.

Bạn Trần Thị Thanh Tĩnh (Hà Tây) còn nhắc lời ca của Phan Huỳnh Điểu: Ngôi sao như mắt em trong những đêm không ngủ, bạn Hoàng Trọng Nghĩa ở Cô Tô còn nhắc lời bài hát: Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài… và giải thích Bác đã đi xa (người cách xa) và chúng ta luôn nhớ Bác…, đều là những ý đáng trân trọng.

Câu 3 nói: ta hay hình dung ngôi sao (trên cờ chẳng hạn) gồm 5 cánh như bông hoa nở (bông mai chẳng hạn).

Câu 4 nhắc thơ Huy Cận:

Ngoài kia sao cũng từng đôi sáng
Từng cặp nhân vàng trong trái đêm.

Câu 17

Ngâm: gầy trắng, muối: mập hồng
Đây mơ máy lạnh, đấy trong bông gòn
Đấy vuông, đây tựa ống tròn
Đây vàng tươi, đấy đỏ son khoe màu
Từng mê một thứ giống nhau
Vì quên điều độ nên sau không còn.

» Đáp án

Hai miền đón Tết

Vào dịp Tết, ở miền Bắc hay muối củ hành (có dáng mập, thường có màu hồng) hay gói bánh chưng (có hình vuông) hay chưng hoa đào (có màu đỏ). Ở miền Nam thường ngâm củ kiệu (dáng gầy, màu trắng) hay gói bánh tét (có hình ống tròn) hay chưng hoa mai (có màu vàng). Ở miền Bắc trời rét phải đắp chăn bông, còn ở miền Nam trời nóng thích nằm máy lạnh.

Trước kia, cả hai miền cùng thích đốt pháo, nhưng vì việc này gây nhiều tác hại, nên sau này đều bỏ hẳn.

Câu 18

Người bảo màu tím
Người nói trắng phau
Tôi hàn gắn vết tim đau
Điều chưa rõ, tôi sẵn câu trả lời
Nhiều người chỉ tranh thủ thôi
Nhiều người thực bụng quý tôi hơn vàng
Vậy mà trên khắp thế gian
Bao nơi tôi bị giết oan vô tình.

» Đáp án

Thời gian

Câu 1 nhắc thơ Đoàn Phú Tứ:

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát.

Câu 2 nhắc hai câu thơ Đoàn Văn Cừ trong bài Chợ Tết:

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.

Câu 3 nhắc một danh ngôn đại ý: Thời gian là liều thuốc tốt nhất để chữa lành mọi vết thương lòng.

Câu 4 nhắc: Thời gian sẽ trả lời, thời gian sẽ chỉ rõ hết mọi điều đúng sai, phải trái.

Các câu tiếp theo nhắc: Tranh thủ thời gian, Thời gian quí hơn vàng bạc, Đừng lãng phí thời gian, Đừng giết thời gian bằng những việc vô nghĩa v.v…

Câu 19

Sen tàn, cúc thắm, trời hanh
Nhẹ rơi chiếc lá nửa xanh, nửa vàng
Bay từng giọt, nắng ngân vang
Thoảng thơm hương cốm trong làn heo may

» Đáp án

Chớm thu

Câu 1 gợi nhớ câu Sen tàn cúc lại nở hoa để tả hè đã sang thu (Kiều).

Câu 2 nhắc thơ Thanh Tùng:

Một mặt lá mùa hè còn níu ở
Mặt kia thoáng đã thu rồi…

Câu 3 nhắc thơ Nguyễn Mỹ:

Nắng bay từng giọt – nắng ngân vang
Ở trong nắng có một ngàn cái chuông.

Ở câu 4 heo may và cốm được nhắc nhiều trong thơ về mùa thu. Ví như:

Thu ở nghìn thu tà áo trắng
Em ngồi chia nắng với heo may
(Lương Hữu)

hay:

Gửi đi một chút heo may
Để bên ấy biết bên này thu sang
(Đặng Nguyệt Anh)

hay nữa:

Sợi rơm vàng buộc gió
Cả sóng sánh sen hồ
Nắng đa tình Bến Nghé
Phải lòng hương cốm thu
(Nguyễn Vũ Tiềm)

Câu 20

Cho ăn no thì chết
Càng đói càng khỏe ra
Cứ uống xong lại khát
Chợt gần rồi chợt xa
Con dao rỉ và mẻ
Không cắt nghĩa được mà!

» Đáp án

Tình yêu

Câu 1 nhắc một danh ngôn phương Tây: Tình yêu là một con quái vật không cho ăn thì khỏe, cho ăn no thì chết (A.De-Musset).

Câu 3 nhắc thơ Xuân Diệu:

Uống xong lại khát là tình
Gặp rồi lại nhớ là mình của ta.

Câu 4 nhắc thơ Lê Thị Kim:

Tình yêu không là gió
Chợt gần rồi chợt xa
Tình yêu không là cỏ
Mọc lan man thềm nhà.

Câu thứ 5 nhắc thơ Hoài Anh:

Tình yêu như con dao
Để thì rỉ
Chặt thì mẻ
Em tính sao?

Câu cuối nhắc thơ Xuân Diệu:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu.

Bài viết liên quan

Để lại bình luận