Câu đố về thiên nhiên & tình cảm (41 câu)

bởi Đặng Hấn
930 views

Câu 21

Khi tưởng nơi để ở
Lúc ngỡ là chính ta
Cơm sôi thì bớt lửa
Nồng – nhạt có sao mà
Như hom nằm trong giỏ
Cua ếch làm sao ra
Muốn dời non, tát bể
Cốt nhất giữ thuận hòa!

» Đáp án

Chồng vợ

Hai câu đầu nhắc thơ Bùi Giáng:

Bây giờ thời thế điêu linh
Ta về buôn bán với mình phôi pha
Mình ơi ta gọi là nhà
Nhà ơi ta gọi mình là nhà tôi.

Chữ “mình” cũng được dùng ở ngôi thứ nhất:

Nghĩ mình mà ngán cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!
(Nguyễn Khuyến)

Câu 3:

Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê
(ca dao)

Câu 4: Vợ chồng có khi nồng khi nhạt (thành ngữ).

Các câu 5, 6: Chồng là giỏ, vợ là hom (thành ngữ).

Hai câu cuối: Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn (tục ngữ)

Câu 22

Khi thì mỉm miệng cười duyên
Khi ngời gương mặt dịu hiền, thanh cao
Gái trai ai biết thế nào
Đi đâu theo đấy, hỏi chào không thưa.

» Đáp án

Trăng

Trăng khuyết trông như miệng người cười. Trăng tròn như gương mặt đẹp của cô gái: Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang là câu thơ Nguyễn Du tả vẻ đẹp Thúy Vân.

Câu 3: Khó biết trăng là trai hay gái vì có người gọi “ông”: ông trăng ơi xuống đây mà chơi v.v… là câu hát đồng dao. Thơ Xuân Diệu lại viết: Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ, có người gọi là: “ả Hằng Nga”…

Ở câu 4 nhắc hiện tượng khi trăng sáng, đi tới đâu ta cũng thấy như trăng đi theo. Tất nhiên trăng không biết nói nên hỏi chào không thưa được.

Câu 23

Là con: mê ngọt mật ong
Để rồi mật nó đắng không gì bằng
Là xe: chở nặng, chạy hăng
Là: “đầu” tốt nhất, thưa rằng: lánh xa
Là cỏ: nhổ lại mọc ra
Là gì thế nhỉ? Trăng ngà cũng xơi!

» Đáp án

Gấu

Hai câu đầu từ bài thơ tứ tuyệt Trần Mạnh Hảo:

Gấu xơi toàn mật ong
Làm nên mật gấu đắng
Lấy cái ngọt tận cùng
Làm nên cái đắng nhất.

Câu 3: Xe gấu là loại xe tải loại nặng thường dùng ở những mỏ than.

Câu 4: “Đầu gấu” tốt nhất là… để công an tiếp chuyện.

Câu 5 về cỏ gấu có câu: Đất có gấu, gấu lại mọc.

Câu cuối là nói hiện tượng nguyệt thực mà dân gian thường gọi là gấu ăn trăng. Gấu còn ăn cả mặt trời khi có hiện tượng nhật thực.

Câu 24

Quả gì quý nhất cuộc đời
Thực mà như xạo, rằng tôi tặng nàng!
Quả gì khoái nhất tiếng vang
Bấm gan chờ được người phang mấy vồ
Quả gì nước mắt chưa khô
Máu tươi khát mãi, uống vô lại đòi

» Đáp án

Quả tim, quả chuông và quả đất

Ở câu 1: Khi yêu nhau người ta hay nói: Trao tặng trái tim cho nhau.

Ở câu 4 nhắc thơ Xuân Diệu:

Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung

và thơ Pê-tô-phi:

Trái đất ăn gì mà quá khát
Sao uống hoài nước mắt, máu tươi!

Câu 25

Có lưng, da, mặt, chân, chim
Còn khoe có mắt, đố tìm thấy đâu
Đàn ông sao lại có bầu?
Da xanh mặt đỏ, nghĩ lâu bật cười
Kiểm kê đánh số người đời
Mắc màn ba xạo ghẹo nơi khốn cùng.

» Đáp án

Trời

Câu 1: Ta hay gặp các từ lưng trời, da trời, mặt trời, chân trời, chim trời cá nước, bầu trời.

Câu 2 nhắc câu thành ngữ trời có mắt, những kẻ độc ác có thể giấu người khác, nhưng trời sẽ nhìn rõ và sẽ trừng phạt.

Câu 5 nhắc thành ngữ số trời đã định.

Câu cuối nhắc thành ngữ màn trời, chiếu đất.

Câu 26

Hai mặt mà lại không đầu
Không mồm vẫn cất tiếng kêu rộn ràng
Thương vay, khóc mướn cả làng
Không cha mẹ, vẫn có tang suốt đời

» Đáp án

Trống

Trống có hai “mặt trống”, có “tang trống”, trống không thể thiếu trong mọi đám ma.

Câu 27

Một ông mặt lạnh như tiền
B… dài mấy thước chực bên vỉa hè
Chờ người bì bịch ngựa xe
Ghé vào tức tốc ông đè ông bơm

» Đáp án

Cây xăng

Câu 28

Tôi hao hao giống cái chày
Bao cô ca sĩ đêm ngày cầm chơi
Nâng lên, áp sát tận môi
Âm ai nhỏ, chạm tôi rồi cũng to.

» Đáp án

Micrô

Câu 29

Nằm mà cao mươi thước
Uốn lượn tựa rồng tiên
Sả thân lo việc nước
Sao mang tên thấp hèn?

» Đáp án

Con đê

Câu 30

Vì người mới phải lên cao
Bởi muốn thu vào, phải để lôi ra

» Đáp án

Cột thu lôi

“Lôi” là sấm sét theo nghĩa chữ Hán, theo tiếng Việt, lôi là lôi ra. Thực chất của hiện tượng thu lôi là từ cột phóng ra các điện tử mang điện tích âm để trung hòa điện tích dương ở đám mây mang điện để không xẩy ra sét nữa.

Bài viết liên quan

Để lại bình luận