Nhà thơ Thanh Tùng nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

bởi Đặng Hấn
9 views
Nhà thơ Thanh Tùng nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

Nhà thơ Thanh Tùng nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn (hình minh hoạ, nguồn: freepik)

Nhà thơ Thanh Tùng nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

Từ một Giáo sư Toán Đại học, anh đã “tụt” xuống (hay vươn tới?) một trẻ thơ. Anh biết cách và hoàn toàn có khả năng “Khờ dại” đi để được trẻ em tin cho nhập cuộc chơi. Thế là anh thỏa sức tung hoành dẫn dắt các em vào cái thế giới thơ mà anh sáng tạo ra…

… Giả vờ nhắm mắt
Ba nói: “ngủ rồi”
Con vui con thích
Vừa ru vừa cười…
(Con ru ba ngủ)

Anh biết lắng nghe điệu hồn con trẻ, những tâm lý khát khao vươn tới để rồi gợi mở, phát triển đến những tình tiết bất ngờ, thông minh và thú vị:

… Nào dọn cơm ra vậy
Cho bé Phương trổ tài
Phương ôm mẹ ghé tai
Đơm thật vơi mẹ nhé!
(Phương giỏi)

Từ trong những quan hệ gia đình đến ngoài đường phố, từ gia súc, cây cối đến trời, sao, mưa, gió, sấm chớp anh đều giúp cho các em phát triển tính ngạc nhiên, muốn tìm hiểu, cuối cùng là nâng cao tính thẩm mỹ, tính văn hóa.

… Ô! Người đi trên chữ
Chữ nâng người lên cao.
(Cầu chữ Y)

Không chỉ là tiếng vang của da bịt vào gỗ nữa mà tiếng trống trở thành tiếng gọi của “trái tim” nhà trường, tiếng truyền giảng của tri thức:

… trống trường
vang xa
lên trời
như sấm
vào ngực
như tim…
… Vọng trong
tiếng trống
bao lời
thiêng liêng !
(Trống trường)

Từ gió làm quay chong chóng anh khéo léo nhắc các em biết ơn mẹ lao động nuôi dưỡng mình:

… quạt quay làm ra gió
gió làm chong chóng quay…
… Phải chong chóng là bé
vui nhảy múa suốt ngày
còn quạt kia là mẹ
mải lam làm luôn tay
(Quạt và chong chóng)

Anh không sử dụng khả năng toán của mình để triển khai vào thơ một cách dễ dãi.
Nhưng rõ ràng những bài thơ “đố” cũng như rất nhiều bài thơ có tứ khá độc đáo trong tập đã được hình thành do ảnh hưởng của lối tư duy toán học do đó giúp các em nâng cao khả năng phán đoán và khả năng thẩm mỹ.

Toàn bộ thơ của tập “Búp trên cành” là khải thị, mở mang và giáo dục để các em được lớn lên trong tri thức và mộng mơ cũng có ý nghĩa chống lại lối giáo dục khô cứng, máy móc dễ dàng dẫn tới độc ác và tàn bạo đang ngày một lan tràn đến báo động trong xã hội loài người hôm nay.

Sài Gòn 1-8-2000 (Nhân đọc bản thảo Búp trên cành” của Đặng Hấn)

Bài viết liên quan

Để lại bình luận