Nhà văn Phan Sinh Viên nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn (2)
Quý 4-1997, đồng chí Thanh Tiên, Tổng biên tập báo Nghệ An họp một số cây bút quen thuộc trong tỉnh để chuẩn bị báo Xuân. Trong cuộc họp đồng chí nói:
“Báo Xuân năm nay sẽ tụ hội ở Sài Gòn. Sài Gòn năm nay sẽ kỷ niệm trọng thể lễ ra đời 300 năm của thành phố. Các đồng chí nhớ khai thác đề tài đó”…
Về vắt óc suy nghĩ mãi, tôi vẫn không thể tìm được một nội dung gì có liên quan giữa Tết với “Sài Gòn 300 năm” để viết! Tiếc lắm nhưng đành chịu bất lực.
Quý 4–1998, tôi nhận được món quà từ Sài Gòn gửi ra. Nhà thơ Đặng Hấn gửi tặng tôi tập thơ “Sài Gòn và bé”, tập thơ thứ tư của tác giả viết cho lứa tuổi thiếu nhi. Mở tập thơ ra, bài thơ “Sài Gòn và bé” nằm ngay ở đầu tập. Nó đã hoàn toàn chinh phục tôi từ lượt đọc đầu tiên
Trong nghề làm thơ, cái khó đầu tiên và có lẽ cũng là cái khó khăn nhất là tìm tứ, lập tứ thơ? Tìm được tứ thơ là tìm được vấn đề! Tứ thơ càng sắc sảo càng lóe sáng thì bài thơ càng gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Có lẽ Đặng Hấn đã suy nghĩ rất nhiều để tìm tứ cho bài “Sài Gòn và bé” của mình. “Sài Gòn vẫn rất non trẻ”. Đúng vậy, với lịch sử 4000 năm dựng nước, giữ nước thì 300 năm quả là mới ở “tuổi trẻ con” – 300 năm ấy, Sài Gòn đã trải “qua bao cam go cay đắng – rất nhiều giặc giã ngoài trong” nhưng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh lớn lên cùng đất nước, đang trở nên một thành phố đẹp giàu… Thế là trong tâm trí của nhà thơ Đặng Hấn, hình ảnh một em bé dễ thương đang ngày ngày lớn lên đã song hành với hình ảnh một thành phố non trẻ đang ngày càng lớn lên. “Sài Gòn và bé” trở thành tiêu đề của một bài thơ hay. Không phải ai cũng có thể tìm được cái “tứ ” thần tình như vậy. Đặng Hấn đã là một tác giả có hàng trăm bài thơ cho lứa tuổi thiếu nhi. Tập thơ “Cầu Chữ Y” viết cho tuổi nhi đồng đã được đưa vào “Tủ sách vàng” của NXB Kim Đồng.
Từ trong tứ thơ, hình thành luôn kết cấu của bài thơ. Hai hình ảnh cứ song song nhau mà phát triển:
Sài Gòn mới 3 thế kỷ
Còn bé đã 6 tuổi đời
Sài Gòn vẫn rất non trẻ
Bé ư? Bé lớn thật rồi!
…
Sài Gòn và Bé – Bé và Sài Gòn. Hai hình ảnh non trẻ, dễ thương ấy cứ quyện lấy nhau, bổ sung tình, ý cho nhau để trở thành một bài thơ hoàn chỉnh. Ở đây ta gặp hai Đặng Hấn. Một Đặng Hấn đầu tiên là Đặng Hấn dí dỏm, thông minh, hồn nhiên, chuyên làm thơ cho thiếu nhi, vì thế mới có những câu thơ thật vô lý mà dễ thương, vô lý mà mọi người sẵn sàng chấp nhận:
Sài Gòn mới 3 thế kỷ
Còn bé đã 6 tuổi đời
Đặng Hấn thứ hai là Đặng Hấn toán học. Đúng vậy, Đặng Hấn đang là một phó giáo sư dạy toán ở một trường Đại học trong TP.HCM-Đặng Hấn đã khéo tìm được một “Mẫu số chung” cho hai “phân số” Sài Gòn và Bé. Hai “phân số” ấy có một “mẫu số chung nhỏ nhất” là cùng trưởng thành trong gian khổ, càng gian khổ càng trưởng thành. Nhưng cái tài tình của Đặng Hấn là dùng hình ảnh biến thiên của em bé để gợi cho ta sự cảm nhận về lịch sử, về quê hương, đất nước:
Còn Bé cũng bao vất vả
Thay răng, sốt nắng, cảm mưa…
Lớp mầm, lớp chồi, lớp lá
Giờ vào lớp một, oai chưa?…
Giữa cái trang nghiêm của lịch sử với cái hồn nhiên của em bé, giữa cái đời thường của con người, với cái thường ngày của đất nước, hai bên cứ đan xen lẫn nhau, móc gài vào nhau, kích bẫy lẫn nhau, vừa đưa nhận thức đến cho người đọc, vừa gây hứng thú thẩm mỹ cho người đọc, các câu thơ cứ thế chiếm lĩnh cả tâm hồn, trí tuệ người đọc. Phải dùng rất nhiều lời, nhiều câu chuyện, nhiều thành tích và nhiều con số cụ thể mới giảng giải được hết ý của bốn câu thơ ngắn sau đây:
Từ bãi tha ma ảm đạm
Sài Gòn cho bé công viên
Bé từ bờ kênh u ám
Bay lên cửa kính sáng đèn!
…
Ai không gắn bó với cách mạng, ai không tâm đắc với cách mạng, ai chưa vì cách mạng mà hi sinh, mà xả thân thì chưa thấy được cái kỳ diệu, cái vĩ đại, cái hào quang lấp lánh của Sài Gòn cách mạng trong những câu thơ giản dị đó: “Bé từ bờ kênh u ám – Bay lên cửa kính sáng đèn”… Tôi thực sự ngưỡng mộ tác giả ở những câu thơ như thế.
Lập tứ của bài thơ bắt đầu từ hình ảnh em bé – Càng yêu bé, càng yêu Sài Gòn. Kết thúc bài thơ, “Tiếng cười trẻ nhỏ” trở thành sức “Xuân” của thành phố – Một cái kết ngắn, gọn, ấn tượng và phù hợp.
Một bài thơ rất chính trị mà lại rất nghệ thuật. Một bài thơ mang tính chất trẻ thơ mà lại chứa đựng nội dung lịch sử, nội dung cách mạng. Một bài thơ nhỏ mà ý nghĩa lại lớn.
Nghệ An tháng 8/1999
“Bạn và thơ” NXB Nghệ An 1999