Nhà thơ Vương Trọng nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

bởi Đặng Hấn
33 views
Nhà thơ Vương Trọng nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

Nhà thơ Vương Trọng nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn (hình minh hoạ, nguồn: freepik)

Nhà thơ Vương Trọng nói về thơ thiếu nhi của Đặng Hấn

Đặng Hấn hội tụ đủ những tư chất cần thiết của một nhà thơ viết cho thiếu nhi: tính thông minh, hóm hỉnh, óc liên tưởng phong phú, có khả năng khái quát từ những hiện tượng đơn lẻ… Vốn là một cán bộ nghiên cứu của Viện toán học, sau khi đất nước thống nhất, anh trở thành cán bộ giảng dạy, rồi sau đó là Phó Giáo Sư, công tác tại trường Đại Học Kinh Tế Tp.HCM. Ngoài công việc chính là nghiên cứu và giảng dạy Toán, anh lặng lẽ tham gia một cuộc chơi, đó là làm thơ cho các em. Cách đây trên chục năm, tập thơ đầu tay của anh ra đòi, và lập tức đuợc giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Đó là tập thơ “Cầu chữ Y“. Chính tập thơ này đã đưa anh trở thành một trong không nhiều nhà thơ được bạn đọc nhỏ tuổi yêu mến. Hiện anh đã xuất bản 8 tập sách thiếu nhi, gồm 2 quyển sách giải trí khoa học, 2 tập truyện và 4 tập thơ. Trong bài viết này, tôi muốn dừng lại ở tập thơ thứ tư của anh, tập thơ mới nhất xuất bản nhân dịp kỉ niệm 300 năm Thành phố Sài Gòn, với tiêu đề “Sài Gòn và bé“.

Khi làm thơ cho thiếu nhi, Đặng Hấn đặc biệt chú ý đến những hiện tượng có tính khái quát, những nghĩa đen có hàm chứa nghĩa bóng, để khi viết không cần nhiều lời, làm như vô tình bắt gặp hiện tượng, sự việc thì nêu lên thế, chứ sự thật anh đã dày công quan sát và suy ngẫm. Hai câu thơ kết thúc bài thơ “Cầu chữ Y” trước đây tập trung khá đầy đủ cách lập tứ thơ của anh:

Ô! Người đi trên chữ
Chữ nâng người lên cao

Cứ làm như vô tình thấy người đi trên cầu chữ Y rồi thốt lên như thế! Và hàng ngày bao nhiêu người thấy điều đó : Cái cầu chữ Y bắc qua sông Sài Gòn, khi người đi qua thì rõ ràng cái cầu hình chữ Y này đã nâng người lên. Nhưng đó chỉ là nghĩa đen. Cái khái quát làm người đọc chú ý là chữ ở đây không còn là chữ Y của chiếc cầu mà là trình độ văn hóa, hay nói gọn lại là văn hóa, văn hóa nâng tầm con người lên, đó là điều tác giả đã khái quát hết sức tự nhiên được người đọc lĩnh hội dễ dàng.

Trong tập “Sài Gòn và Bé”, cấu tứ thơ kiểu này luôn được tác giả vận dụng và vẫn mang lại hiệu quả cao. Anh có bài thơ viết về Mắt, thực chất là mắt trẻ thơ trong đó có hai câu tôi thấy khó ai có thể viết hay hơn được:

Trong như nước, sáng như sao
Mở ra là thực, khép vào là mơ.

Câu trên có được nhờ mắt quan sát, và ngoài Đặng Hấn ra, nhiều nguời khác cũng có thể viết được. Nhưng câu thứ hai không còn tả nữa, mà là suy ngẫm của người gần gũi các em. Viết về mắt mà không chỉ nói về mắt nữa, mà nói về tâm hồn trong sáng của trẻ thơ.
Bên cạnh lối thơ mang tínn khái quát này, anh cũng thành công với lối thơ ngụ ngôn, có khi ngộ nghĩnh, buồn cười nhưng vẫn mang một ý nghĩa cuộc đời nào đấy. Ta hãy đọc bài thơ “Bút và com-pa“:

Cái bút bảo cái com-pa
– Viết được nhiều chữ như ta mới tài.
Com-pa nghe thế mỉm cười:
– Chẳng thà viết một chữ thôi, nhưng tròn

thì không những compa mỉm cười mà người đọc cũng mỉm cười, thấy cái lập luận của compa rất đúng, nhắc ta nhớ đến câu thành ngữ “một nghề cho chín hơn chín nghề”.
Lối thơ ngụ ngôn này còn khá thành công ở bài “Sâu đo“:

Đầu hay đuôi khó phân minh
Đi khom, về cúi ai rình mà lo
Ngắn dài mặc sức giãn co
Lấy mình làm cái thước đo mọi người.

Đây là bài thơ tả thực về con sâu đo, nhưng đồng thời đả rất đau vào bọn người nịnh nọt, luồn cúi, bọn người chứa bao tật xấu, đầu đuôi lẫn lộn ấy lại muốn làm chuẩn mực để mọi người noi theo, thì thật trớ trêu và buồn cười. Những bài thơ như thế này của Đặng Hấn, nghe một lần chúng ta khó lĩnh hội hết ý thâm thúy của tác giả, mà tốt hơn nên đọc bằng mắt thêm vài lần nữa, rồi tự mình sẽ rút ra được nhiều điều.

Một điều thành công đáng kể của Đặng Hấn trong tập thơ này là anh đã biết gắn mảng thơ thiếu nhi với công cuộc xây đựng, phát triển đất nước cũng như giáo dục truyền thống cho các em. Hai mẹ con đi xem triển lãm đường Trường Sơn thấy một tảng đá lớn ở Trường Sơn do bộ đội ta đặt chân lên nhiều, trong thời gian nhiều năm, đã tạo thành một dấu chân cực lớn, em bé hỏi mẹ không biết có dấu chân bố trong dấu chân ấy không thì được chú thuyết minh trả lời là có. Lập tức từ dấu chân này em nghĩ đến dấu chân Thánh Gióng trong truyện cổ. Bài thơ như một câu chuyện kể nhẹ nhàng nhưng có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, một nội dung cần thiết đối với thơ thiếu nhi.

Bài thơ “Điện” anh viết mừng đường dây 500 kilôvôn hoàn thành, đọc vừa dí dỏm, vùa trẻ con:

Cũng là điện cả thôi
Đố ai nhìn thấy dạng
Ở đài thì hát ca
Vào đèn thì phát sáng

Vừa mang ý nghĩa thời sự của công trình xây dựng này:

Vui chưa từ cánh quạt
Gió ào ạt phả ra
Trưa Sài Gòn nắng khát
Chợt mát sóng Sông Đà

Viết về thời sự cho các em, kể ra như thế là khá nhuần nhuyễn.

Có thể có em lại hỏi rằng nhà toán học Đặng Hấn không làm thơ về toán hay sao? Có đấy! Ví như bài thơ “Các nhà toán học của mùa Xuân” đã được nhạc sĩ phổ nhạc, nhưng giờ đây ta hãy nghe lời thơ:

Đàn ong làm phép trừ
Trừ rét bằng mật ngọt;

 

Bầy chim làm phép chia
Chia niềm vui tiếng hót;

 

Tia nắng làm phép nhân
Trời sáng cao rộng dần;

 

Vườn hoa làm phép cộng
Số thành là mùa Xuân!

Như vậy không những anh có làm thơ về toán mà còn làm đủ cả bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia, chỉ có khác là anh không làm trên giấy mà mượn đàn ong, bầy chim, tia nắng và vườn hoa làm ở giữa trời đất để có số thành là mùa Xuân, kể ra bài toán này cũng lý thú đấy chứ?

(“Nhà toán học, nhà thơ được các em yêu mến”
Bài đã phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam tháng 6/1999)

Bài viết liên quan

Để lại bình luận