Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam

bởi Đặng Hấn
737 views

Trong bài viết này, chúng tôi thử đưa ra một số ưu điểm về mặt nghệ thuật của câu đố dân gian Việt Nam. Những ý kiến được trình bày chỉ là những cảm nhận chủ quan của một độc giả yêu câu đố, chứ không phải của một nhà nghiên cứu phê bình văn học dân gian, nên có thể có nhiều chỗ còn bất cập! Rất mong được các bạn xa gần chỉ cho những thiếu sót. Chúng tôi sẵn lòng học hỏi. Theo ý chúng tôi, câu đố dân gian Việt Nam đã thể hiện được một số ưu điểm trong các vấn đề sau:

1. Nghệ thuật quan sát và so sánh

Những người sáng tác câu đố thường là rất gần gũi, thân thuộc với những đối tượng đem ra đố, nên đã thể hiện một sự quan sát, phát hiện những nét rất điển hình và so sánh thật chính xác. Ví như các câu đố về một số loại cây trái:

Da cóc mà bọc trứng gà
Bổ ra thơm nức cả nhà muốn ăn.
(Quả mít)

Da cóc mà bọc bột lọc
Bột lọc mà bọc hòn son.
(Quả vải)

Da cóc mà bọc bột lọc
Bột lọc mà bọc hòn than.
(Quả nhãn)

Đọc câu đố lên ta cảm như sờ được thấy vật, nhìn được thấy màu sắc và ngửi thấy hương thơm. Mới đọc thôi mà đã thèm, thấy ứa nuớc dãi trong miệng.

Vừa bằng cái bát
San sát giữa đồng.
(Vết chân trâu)

Hay như:

Trong trắng ngoài xanh
Đóng đanh từng khúc
(Cây tre)

Hoặc như:

Chân vịt, thịt gà
Da trâu, đầu rắn.
(Con ba ba)

Quả là tài tình. Sự so sánh chuẩn xác đến trăm phần trăm. Không phải là người thường xuyên tiếp xúc và thực sự gắn bó với vật đố và vật đuợc so sánh, thì không thể mô tả như vậy được. Tôi nhớ có lần một em học sinh đã tả con heo của nhà mình: “Nhà em có nuôi một con heo. Nó to bằng cái cánh cửa!” Nếu em đó thuộc câu đố về tàu lá chuối:

Vừa bằng cánh cửa
Để ngửa giữa trời

chắc chắn em học sinh đó sẽ nhận ra sự khấp khểnh trong cách so sánh của mình.

Đặc biệt khi nhìn các con vật, các nhà sáng tác câu đố không chỉ chú ý quan sát hình dáng bất động bề ngoài, mà còn cả trong các hoạt động của chúng. Thí dụ: Bình thường, những con vật có cánh khi bay thì vỗ cánh, khi lượn thì dang thẳng cánh, còn khi đậu thì xếp cánh lại. Nhưng ở con chuồn chuồn thì sao?

Con gì cánh mỏng đuôi dài
Đậu, bay cánh vẫn dương hoài như nhau.

Rất có thể nhà thơ Phạm Hổ đã đọc câu đố này mà nảy ra ý để sáng tác bài thơ về con chuồn chuồn, một cái máy bay nhỏ xíu dễ thương mà cái sân bay chỉ là một… lá lúa:

Máy bay gì bé tẹo
Nhìn kỹ, thật đáng yêu
Cánh mỏng hơn cả lụa
Bay không một tiếng kêu
Máy bay này mình xanh
Máy bay kia mình đỏ
Bay thấp rồi bay cao
Sân bay: một lá lúa!

Cách quan sát đó ta cũng gặp trong câu đố về cóc nhái: Đi ngồi, đứng ngồi, nằm cũng ngồi!

Sự quan sát đôi khi còn đi sâu vào tính tình con vật, như trường hợp đố về con chó:

Nghe kêu mà chả thấy ơi
Cong lưng mà chạy một hơi về nhà

Thật tội nghiệp! Đúng như một đứa trẻ chất phác, ngoan ngoãn, biết phục tùng. Ta cũng gặp sự quan sát này trong câu đố về con gà ác:

Da thịt như than
Áo choàng như tuyết
Giúp người bồi khí huyết
Mà tên gọi…hơi oan!

Những thí dụ về sự quan sát và so sánh lột tả ngay những nét điển hình nhất không thể lẫn giữa vật này với vật kia kể ra không thể hết. Bởi vì gần như ở bất cứ câu đố nào cũng biểu hiện ra điều đó.

Bài viết liên quan

Để lại bình luận