Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam

bởi Đặng Hấn
736 views

7. Nghệ thuật nói lái

Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn
(Con ngựa)

Đục rồi cất, cất rồi đục
(Cục đất)

Cách nói lái này thường hay dùng trong các câu “vừa đố vừa giảng” mà đôi lúc vẫn gây lúng túng cho người chưa quen.

Vừa bằng cái đấu
Mà giấu bụi tre
Kiển tố vừa đố vừa giảng
(Tổ kiến)

Cũng có thể kể thêm một vài câu đố loại này:
Bằng ngón chân cái mà chai cứng
(Ngón chân cái)

Bằng cán rựa mà cựa ráng
(Cán rựa)

Bằng ngón tay mà ngáy ton ton
(Ngón tay)

(Ba câu đố sau này, tiến sỹ Lê Trung Hoa cho là không phải vừa đố vừa giảng mà là đố về cái “của quý” của phái nam)

Cách nói lái như các câu đố ở trên còn đơn giản, một tầng, dễ giải. Và trong nhiều câu đố còn quá dễ dãi như “Khoan lai” là “Khoai lang” hay câu đố:

Chiếc xuồng trong ngọn bơi ra
Là xuồng cụt mũi người ta còn dùng

Rồi trả lời là củi mục (nói lái của cụt – mũi) thực ra là gượng ép, không chuẩn xác.

Còn có nhiều câu đố nói lái hai ba lần phức tạp hơn nhiều, như trong truyện Trạng Quỳnh kể rằng: có lần sứ giả bên Tầu đưa sang một vật gói kỹ và để ngoài hai chữ “Đại Phong” để đố vua quan nước Việt. Trạng Quỳnh đã “phân tích” để tìm lời giải như sau: “Đại-phong” là gió to. Gió to thì đổ chùa. Đổ chùa thì tượng-lo. Tượng-lo là lọ-tương”.

Kiểu nói lái nhiều lần như vậy có lẽ thịnh hành ở đồng bằng Nam Bộ. Hồi mới giải phóng Miền Nam, có lần đi chơi cùng một người bạn Nam Bộ về Lái Thiêu, thấy người ta vứt bừa bãi rác rưởi, vỏ trái cây, xơ mít…ở bờ sông, tôi tỏ ra khó chịu. Thấy tôi phàn nàn, anh bạn cười: “Chính vì vậy mà trước kia, ở đây người ta hay có những biển cấm “Quitxơmăng – bông sên” đố cậu biết là gì đấy?”. Tôi cứ nghĩ Miền Nam có sự bang giao với phương Tây nhiều nên đây hẳn là một câu tiếng Tây nào đó và vận dụng mọi khả năng ngoại ngữ để suy đoán. Mãi sau anh bạn mới cười và bảo: Quitxơmăng là quăng xơ mít chứ có gì đâu! Liền đó, anh lại đố tôi: “đố cậu biết vì sao mùa hè mọi người đều thích đánh chuông?”. Tôi cứ nghĩ nói đến chuông là nói đến chùa, đến Phật. Chắc có lẽ vì giữa mùa hè có lễ Phật đản (mồng tám tháng tư âm lịch), …Nhưng anh cười lớn và giảng giải: “Đánh – chuông là đập-chuông. Đập-chuông là đuông-chập. Đuông-chập là đâm-chuột. Đâm-chuột là đâm-tí. Đâm-tí là đi tắm. Mùa hè ai mà không thích đi tắm, nhất là đi tắm biển.

Tôi cũng đã được nghe trong một bữa nhậu, cũng là khi mới từ Bắc vào Nam công tác, một ông bạn già người Nam Bộ nêu câu đố:

-Tại sao người ta hay nói “đàn ông thích đông zui?”

Một bạn trẻ liền nhanh nhẩu:

– Còn gì nữa. Đàn ông ai chả thích có nhiều bạn để bù khú. “Trà tam tửu tứ”, “Rượu ngon không có bạn hiền” mà lại.
Ông bạn già làm một hơi bia, đặt ly xuống rồi thủng thẳng:

– Nông cạn lắm chú em ơi! Nghe anh mày nói đây này: đông-zui là đui-zông. Đui-zông là mù-zó. Mù-zó là mò… Mò cái gì thì chú em biết chứ!

Tất cả bọn nam giới chúng tôi đều cười muốn sặc. Mấy bà thì vờ như không nghe rõ, nhưng thực ra đang cố nén cười. Một lát sau, ông bạn già lại tiếp:

– Thế bây giờ đố các chú em: tại sao người ta nói phụ nữ thích nấu nướng?

– Còn gì nữa – lại chú em lúc nãy lên tiếng – phụ nữ là phải giỏi nữ công. “Công dung ngôn hạnh” mà lại. Phụ nữ giỏi là phải biết làm món nhậu cho chồng tiếp bạn bè, chứ không thì thành “vợ thằng Đậu” rồi còn gì!

– Lại nông cạn nữa rồi! – Ông bạn già lại thủng thẳng: Nấu-nướng nghĩa là đun-thui. Đun-thui nghĩa là đui-thun. Đui-thun nghĩa là mù-co. Mù-co nghĩa là…

Ở phía các bà nhiều người đang theo dõi và nhẩm theo lời ông bạn già: “mù-co nghĩa là … nghĩa là mò…”

– Hết chịu nổi cái nhà ông này.

Mấy bà cười phá lên. Thì ra mọi người đều bị hấp dẫn bởi câu đố lắt léo kiểu nói lái nhiều tầng kia.

Nhân nói đến nghệ thuật nói lái, làm tôi nhớ lại những câu đố khá vui (mà ngày nay đã trở nên khá phổ biến) là những câu đố xung quanh chữ Long. Ở thời phong kiến xa xưa, những gì có liên quan đến nhà vua, đều được gọi kèm theo chữ “long”. Ví như Long bào là áo của vua, Long sàng là giường của vua, Long thể là thân thể nhà vua…Cách gọi tên đó ngày nay trở thành buồn cười, thường được đem áp dụng với sự xuyên tạc để đùa tếu và từ đó xuất hiện các câu đố này.
Vào một buổi gặp gỡ của một số thân hữu đầy không khí chan hòa văn nghệ, tôi được nghe ông Hoàng Năng trình bày tới mười mấy câu đố. Tôi còn nhớ tới nay mấy câu:

Đố: Vua đi tham gia sản xuất gọi là Long gì?
Đáp: Long đạo (lao động), hoặc Long cao (lao công)

Đố: Vua đi chơi về khuya cửa bị đóng, gọi là Long gì?
Đáp: Long kẻo (leo cổng)

Đố: Vua bị Tào Tháo đuổi gọi là Long gì?
Đáp: Long phẩn (phân lỏng)

Đố: Vua đi cầy ruộng gọi là Long gì?
Đáp: Long đền (lên đồng)

Đố: Vua giữ con gọi là Long gì?
Đáp: Long bò (lo bồng)

Đố: Vua nhẩy đầm gọi là Long gì?
Đáp: Long mắc (lắc mông)

Đố: Vua không có khả năng sinh con gọi là Long gì?
Đáp: Long tỉnh (tinh lỏng)

Đố: Vua lấy người nước ngoài sinh ra thái tử gọi là Long gì?
Đáp: Long giái (lai giống) …

Với giọng kể hóm hỉnh kết hợp điệu bộ chân tay và vẻ mặt, ánh mắt…cộng với sự hưởng ứng đóng góp, phát hiện, nhầm lẫn… của tập thể bạn bè, lại được pha vào chút men bia rượu, cuộc vui thật là thỏa thuê hết nói.

Bài viết liên quan

Để lại bình luận