Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam

bởi Đặng Hấn
737 views

2. Nghệ thuật tưởng tượng và liên tưởng

Cây cao ngàn trượng
Hạt nhỏ li ti
Nấu ăn được, nướng vất đi.
(Mưa)

Chỉ từ chỗ nuớc mưa thường tạo thành giọt nhỏ như hạt, mà tưởng tượng thành một cái cây cao ngàn trượng cũng tài lắm chứ!

Từ cái bào của người thợ mộc có hai cái tay cầm, mà hình dung ra con vật có hai sừng. Và lạ lùng làm sao: con vật này lại ăn đằng bụng và ỉa đằng lưng chứ không như con vật bình thường:

Ăn đằng bụng
Ỉa đằng lưng
Hễ mó đến sừng
Thì vãi cứt ra.

Cũng như sự quan sát và so sánh, tưởng tượng và liên tưởng là nét biểu hiện rất phổ biến ở các câu đố. Nó gây sự tò mò, gây khó khăn phức tạp cho người giải câu đố. Và khi giải ra được, hoặc khi nghe lời giải của người đố, sẽ có được rất nhiều khoái cảm thẩm mỹ.

Nhìn con trâu mà tưởng tượng ra cả một tổ hợp sản xuất nông nghiệp:

Bốn ông đập đất
Một ông phất cờ
Một ông vơ cỏ
Một ông bỏ phân.

Tài lắm chứ! Lạ lắm chứ! Lạ nhất là cái “ông bỏ phân” vì có nhìn thấy ông ấy đâu. Nhưng ông ấy có bỏ phân kia mà. Bỏ phân là việc quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. “Nhất nước, nhì phân” mà lị. À mà lẽ ra phải kể thêm một ông tưới nước nữa kia đấy!

Tất nhiên ở đây, ngoài trí tưởng tượng phong phú, ta còn thấy tấm lòng yêu thương của người nông dân với con trâu – đầu cơ nghiệp của mình. Nếu không, họ có thể liên hệ đến một toán cướp chẳng hạn mà bảo: Bốn thằng phá tàn / Một thằng ăn hại / Một đứa quất roi / Một đứa ỉa bậy cũng được vậy!

Nhìn con vật tưởng tượng ra một tổ hợp sản xuất đã tài. Nhưng từ con vật tưởng tượng ra cả một làng xã với những hội hè đình đám sôi nổi thì còn tài hơn. Đó là trường hợp đố về con chó:

Đầu làng gõ mõ
Cuối làng phất cờ
Trống đánh lớn đến đâu
Cờ phất cao đến đó.

Nhân bàn câu đố về con chó, làm tôi sực nhớ vừa rồi, về quê ở Thái Bình, tôi có ghé thăm các thân bằng văn hữu ở thị xã. Trong một tiệc rượu thân mật gồm khá đông người như Đức Hậu (nhà văn, chủ tịch hội Văn nghệ Thái Bình), Kim Chuông (nhà thơ), Đặng Chấn (giám đốc sở Giao thông), Đặng Tài (Giám đốc sở Công nghiệp), Lại Tây Dương (nhà văn), nhà thơ Trọng Khánh (thầy giáo dạy hóa có tiếng ở trường chuyên Thái Bình)…, nhà văn Thiếu Văn Sơn (chủ tịch Hội nhà báo) có ra một câu đố:

Cái dùi sơn đỏ
Cái mõ sơn hôi
Rúc lên một hồi
Kéo ra ba gian hai chái
Là cái gì?

Tất nhiên là chẳng ai đoán được và Thiếu Văn Sơn phải giải đố: Đó là hai con chó dính lẹo, quay đít vào nhau.

Tôi tâm đắc về câu đố này: “Nhà ba gian, hai chái, tám cột. Khá. Khá nhất là hai cái chái. Nhưng cái gian giữa có vẻ hơi bị hẹp”. Thiếu Văn Sơn tặc lưỡi: “Thì cứ xem đó là gian cầu thang hay gian làm cầu tiêu nhà tắm!”. Tất cả đều đồng thanh: “Có lý đấy!”

Nhìn khuôn mặt người mà tưởng tượng ra phố xá với các đường đi lối lại, cống thoát nước và các hàng quán của nó:

Đường ngang thông thống
Hai cống hai bên
Trên hàng gương
Dưới hàng lược.

Nhìn con gà mái giữ con mà tưởng tượng ra doanh trại che ba quân thiên hạ:

Hai cột, một kèo, treo hai tấm tranh
Ba quân thiên hạ núp mình cũng dư.

Với người bình thường thì cái gối để gối đầu chỉ là vật vô tri vô giác. Nhưng trước con mắt của các nhà sáng tác câu đố giàu trí tưởng tượng , nó trở thành một nhân vật siêu phàm có sức mạnh chiến thắng bất cứ đối tượng nào:

Vừa bằng cái trống tầm vông
Đánh ngã đàn ông
Đánh ngã đàn bà
Đánh ngã thanh hoa
Đánh ngã kẻ chợ
Đánh ngã vợ vua

Mà việc sử dụng từ ngữ ở đây cũng đáo để lắm. Tất cả sự thần kỳ có được chỉ nhờ có một từ “đánh ngã”

Hoặc như:

Xin lửa ông táo
Đốt đầu ông sư
Sấm động ù ù
Rồng bay phấp phới.

Hút thuốc lào là chuyện vặt vãnh mà tưởng tượng ra, liên tưởng đến những việc to lớn như vậy thật giỏi và thường hay thấy trong câu đố. Đọc câu đố:

Ba bà đi chợ Cầu Nôm
Bà đi sau rốt luôn mồm: nhanh lên!
Bà đi trước thì thiếu hàm trên
Bà đi giữa thì thiếu hàm dưới
Chỉ bà đi cuối đủ nguyên hai hàm!

Quả cũng khó biết đó là cái gì. Khi đọc lời giải mới biết đó là người đi bừa ruộng bằng một con trâu. Sự tưởng tượng và liên tưởng ở đây dẫn đến những điều rất thú vị. Các sự vật không được kết nối với nhau trong công việc chung là lao động sản xuất, mà lại kết nối bằng những hàm răng đủ kiểu khác nhau: Con trâu chỉ có hàm răng dưới, cái bừa chỉ có hàm răng trên, còn người đi bừa thì có cả hai hàm. Người nông dân trong lúc lao động, nghĩ đến những chi tiết hóm hỉnh của câu đố, chắc cũng phải bật cười mà quên đi phần nào sự vất vả nhọc nhằn của công việc.

Đương nhiên, những câu đố có sức tưởng tượng và liên tưởng kì diệu này, người ra câu đố thường trước đó cũng đã bị bí khi được một người nào đó đố mình, khi nghe lời giải thấy hay quá rồi lại đem đố người khác.Việc đó giống như một thầy giáo toán đọc một đề toán ở một cuốn sách nào đó, nghĩ mãi không giải được liền lật phần cuối cuốn sách để xem lời giải. Đọc lời giải thấy thích quá, liền lấy làm đề thi cho học sinh rồi cứ chê học sinh là dốt. Dễ thế mà không làm được!

Bài viết liên quan

Để lại bình luận