Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam

bởi Đặng Hấn
737 views

8. Nhân hóa, sinh vật hóa

Nghệ thuật nhân hóa và sinh vật hóa luôn làm cho câu đố trở nên sinh động hấp dẫn, và cũng có tác dụng làm cho câu đố trở nên lắt léo, dễ dẫn người giải câu đố đến chỗ sai lầm.

Còn duyên đánh phấn phơi màu
Hết duyên má hóp, trụi đầu, răng long

Tả bắp ngô mà rõ ra con người với số phận đổi thay theo định mệnh

Quanh năm áo lông, giầy da
Bốn mùa mũ đỏ, rõ là tay chơi

Tả con gà trống đúng từng chi tiết mà lại rõ ra dáng cậu ấm con quan, công tử con nhà giàu

Có râu, có tóc, có răng vàng
Quần áo xênh xang ba bốn bộ
Vẫn còn nũng nịu mẹ bồng mang

Đó cũng là bắp ngô. Đã già có râu, còn có răng vàng nữa(!) mà vẫn đòi mẹ bế thì nực cười thật! Hay như khi đố về củ hành:

Ao nâu mỏng mảnh
Râu ngắn lơ phơ
Bề ngoài trông thật lờ đờ
Nhưng ai động đến, không ngờ lại hăng!

Từ áo quần, diện mạo đến tính tình được đặc tả rất điển hình, cách chơi chữ rất hóm. Mà lại rất là… củ hành!

Mặt mẹ rạng rỡ như hoa
Mặt cha nhăn nhó chẳng ma nào nhìn.
(Mặt trăng và mặt trời)

Mình bằng hạt gạo,
Cứt bằng hạt kê
Hỏi đi đâu về
Ông đi làm thợ mộc.
(Con mọt)

Năm thằng cầm hai cây sào
Đuổi đàn trâu trắng chui vào trong hang
(Và cơm)

Hai cô mà ở hai phòng
Ngày thời mở cửa ra trông
Đêm thì đóng cửa lấp chông ra ngoài.
(Hai con mắt)

Cô kia nho nhỏ, thế mà khôn
Đã từng ăn ở chốn công môn
Cơm ngon, canh ngọt từng được nếm
Trai hiền gái đẹp đã từng hôn
(Con ruồi)

Chiều chiều ra chơi vườn hạnh
Tối tối thơ thẩn vườn đào
Ghẹo nàng tiên trong giấc chiêm bao
Hôn thiếu nữ đang an giấc ngủ.
(Con muỗi)

Một người cao lớn trượng phu
Đóng bẩy cái khố, thò cu ra ngoài.
(Cây chuối có hoa)

Các câu đố ở trên nhờ có nghệ thuật nhân cách hóa mà trở nên sinh động thú vị hẳn lên. Những thí dụ về nhân cách hóa như vậy rất nhiều, không thể kể ra hết được.

Các vật vô tri vô giác không được biến thành người thì cũng biến thành các con vật, các loài cây. Ví dụ như:

Một đàn cò trắng phau phau
Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm
(Rổ bát đĩa)

Cây khô có rễ trên đầu
Sông sâu chẳng sợ, sợ cầu bắc ngang
(Cột buồm)

Cây bên ta
Lá bên ngô
Cái ngọn tầy bồ
Cái gốc tầy tăm.
(Cái diều)

Ở đây lại một lần nữa nghệ thuật quan sát – so sánh, tưởng tượng – liên tưởng cũng được đan xen áp dụng một cách tài tình.

Bài viết liên quan

Để lại bình luận