Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam

bởi Đặng Hấn
737 views

14. Đố tình huống, thử thách sự thông minh

Đố: Trong quan tài có một người chết vậy mà có người thì khóc “Ới anh ơi là anh ơi!”. Lại có nguời khóc “Ới chị ơi là chị ơi!”. Vậy người chết là đàn ông hay đàn bà?

Đáp: Đó là người đàn bà có tên là Anh.

Tất nhiên cũng có thể nói đó là người đàn ông có tên là Chị. Nhưng trên thực tế, đáp án này rất khó chấp nhận, trừ ra ở một số vùng khi phát âm không phân biệt âm “ch” với âm “tr”, thì có thể trả lời “đó là người đàn ông có tên là Trị” cũng được.

Đố: Thành phố bị bao vây. Mỗi người đều bị bắt ra và trước mặt tên đao phủ phải nói một câu. Nếu nói đúng thì bị chặt đầu, còn nói sai thì bị treo cổ. Có nhiều nguời đã thoát chết. Vậy họ đã nói câu gì?

Đáp: Họ nói: “Tôi sẽ bị treo cổ”

Đúng vậy, nếu đem người này đi treo cổ thì họ đã nói đúng. Nhưng nếu nói đúng thì bị chặt đầu. Nhưng nếu đem chặt đầu thì họ đã nói sai. Mà nói sai thì phải đem treo cổ. Thành ra chả biết làm sao, đành phải thả họ ra.

Về câu đố này, ông Phạm Quang Giám ở báo “Toán học và tuổi trẻ” có đưa ra một đáp án khác là họ nói với tên đao phủ: “Đầu ông nặng ba kí lô”. Thật vậy, tên đao phủ không thể nào kiểm tra được đầu mình nặng bao nhiêu, và vì vậy không thể kết luận được câu nói đó là sai hay đúng để có cách hành thích người nói. Cũng sáng kiến lắm!

Đố: Theo lệnh của nhà vua, hàng năm sẽ có một số tù nhân được ân xá, một số bị đem đi xử trảm. Việc xét duyệt được tiến hành một cách may rủi. Mỗi tù nhân được gọi ra và bốc ngẫu nhiên một lá thăm trong hai lá bề ngoài giống hệt nhau nhưng một lá thăm có ghi chữ “chết”, một lá có ghi chữ “sống”. Tù nhân A bị bọn quan tòa thâm thù nên đã làm hai lá thăm đều ghi chữ “chết”. Thế mà kết cục, tù nhân A vẫn được tha. Vậy tù nhân này đã ứng xử thế nào?

Đáp: Tù nhân A lấy một lá thăm và lập tức bỏ vào mồm nhai rồi nuốt đi. Khi đó tất nhiên phải mở lá còn lại ra và vì lá còn lại ghi chữ “chết” vậy theo luật thì suy ra lá mà tù nhân đã nhận phải ghi chữ “sống”!

(Nếu tù nhân không bị thâm thù, việc bốc phiếu được làm công bằng thì khả năng sống chết vẫn là 50% chứ không có gì thay đổi có hại cả)

Đố: Dân thành phố A luôn nói thật còn dân thành phố B luôn nói dối. Bạn là du khách biết mình đang ở một trong hai thành phố, nhưng không biết mình đang ở thành phố nào. Dân hai thành phố lại hay qua lại bên nhau. Gặp một người, bạn chỉ được hỏi một câu để biết mình đang ở thành phố nào. (Dân hai thành phố này, khi nghe câu hỏi chỉ gật hoặc lắc mà thôi). Vậy câu hỏi của bạn là thế nào?

Đáp: Câu hỏi là: “Anh sống ở thành phố này phải không?” Nếu họ gật thì bạn đang ở thành phố A còn nếu họ lắc thì bạn đang ở thành phố B.

Cũng câu đố này, có một cách trình bày hiệu quả hơn như sau:

Đố: Ở một Mê-cung có hai cửa thoát ra. Một cửa dẫn đến chỗ chết gọi là “”Cửa tử”, một cửa dẫn tới vùng sống tự do, gọi là “Cửa sinh”. Việc canh giữ hai cửa này do hai tên lính canh thực hiện. Gọi là canh nhưng chỉ làm mỗi việc ai hỏi gì thì trả lời. Nhưng hai người này đều không biết nói, chỉ gật hay lắc đầu khi nghe hỏi. Một trong hai người luôn nói thực, còn người kia luôn nói dối. Việc phân công ai coi cửa nào rất tùy tiện, không theo lịch phân nhất định nào. Bạn bị lạc vào mê cung và chỉ được phép hỏi một câu để tìm “Cửa sinh” mà ra. Câu hỏi của bạn là thế nào?

Đáp: Bạn có thể hỏi một trong bốn câu sau:
1.Người nói thật đang canh “Cửa tử” phải không?
2. Người nói dối đang canh “Cửa sinh” phải không?
3. Người nói thật đang canh “Cửa sinh” phải không?
4. Người nói dối đang canh “Cửa tử” phải không?

Hai câu 1và 2 tương đương nhau. Nếu bạn hỏi một trong hai câu này mà họ gật đầu thì đó là “Cửa tử”, bạn chớ đi vào. Ngược lại, nếu họ lắc đầu, thì bạn cứ ung dung theo cửa đó mà đi ra.

Hai câu 3 và 4 Tương đương nhau và nếu bạn dùng một trong hai câu hỏi này, thì bạn phải xử sự ngược lại với hai câu hỏi trên.

Đố: Có ba thành phố A, B, C. Dân A luôn nói thật, dân B luôn nói dối còn dân C thì cứ một câu thật một câu dối xen kẽ nhau. Dân các thành phố lại thường đi lại qua nhau. Bạn muốn biết bạn đang ở thành phố nào và đang nói chuyện với dân thành phố nào, nhưng chỉ được phép hỏi không quá bốn câu (người trả lời chỉ gật (khẳng định) và lắc (phủ định)). Đố bạn đưa ra những câu hỏi đó.

Đáp: Bốn câu hỏi đó là:
1. Tôi đang ở một trong hai thành phố A và B phải không?
2. Tôi đang ở C phải không?
3. Anh là dân thành phô C phải không?
4. Tôi đang ở thành phố A phải không?

Câu đố này hơi phức tạp, dành cho bạn nào thích tò mò và kiên nhẫn một chút. Lý giải như sau:

a- Nếu có câu trả lời khẳng định hoặc phủ định cho cả 2 câu (1) và (2) ta biết ngay người ta gặp ở C. Trong trường hợp đó, câu trả lời phủ định (trong trường hợp này là câu trả lời sai) cho câu hỏi (3) có nghĩa là câu trả trả lời cho câu hỏi (2) là đúng. Khi đó, nếu câu trả lời cho câu (2) là khẳng định thì không cần hỏi câu thứ (4) nữa. Nhưng nếu câu trả lời cho câu (2) là phủ định thì ta hỏi tiếp câu (4) ta sẽ được một câu trả lời sai và ta suy ra ta đang ở thành phố A nếu câu trả lời là phủ định và ở B nếu câu trả lời là khẳng định. Nếu câu trả lời cho câu hỏi thứ (3) là khẳng định (câu trả lời đúng) thì câu trả lời cho câu hỏi thứ (2) là sai. Khi đó nếu câu trả lời cho câu hỏi thứ (2) là phủ định thì ta biết ta đang ở C và câu hỏi thứ (4) là không cần. Còn nếu câu trả lời cho câu hỏi thứ (2) là khẳng định thì ta lại phải hỏi tiếp câu hỏi thứ tư để được câu trả lời sai và biết mình ở A hay ở B.

b- Nếu câu hỏi (1) và (2) có câu trả lời trái ngược thì người ta gặp ở A hoặc ở B. Câu trả lời khẳng định cho câu hỏi (3) chứng tỏ họ là người thành phố B (nói dối) và câu hỏi thứ tư không cần thiết: nếu câu (2) phủ định (ta biết ta đang ở C). Còn nếu câu trả lời là khẳng định thì ta đang ở A hoặc B; câu trả lời sai cho câu hỏi (4) sẽ cho ta bíêt ta đang ở đâu (ta ở A nếu họ lắc, ta ở B nếu họ gật). Cũng vậy, nếu câu trả lời cho câu hỏi (3) là phủ định chứng tỏ họ là dân thành phố A (nói thật), khi đó nếu câu trả lời cho (2) là khẳng định thì không cần câu thứ (4) còn nếu câu (2) là phủ định thì ta cần câu trả lời cho câu thứ (4).

Đố: Làm thế nào để xỏ một sợi chỉ qua một cái vỏ ốc xoắn?
Đáp:

Tang tình tang, tính tình tang
Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng
Bên thời lấy giấy mà bưng
Bên thì bôi mỡ, kiến mừng kiến sang

Đấy là chuyện trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi mà Nguyễn Văn Trung đã dẫn trong “Câu đố dân gian Việt Nam”.

Bài viết liên quan

Để lại bình luận