Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam

bởi Đặng Hấn
737 views

Lời kết

Trong thời gian gần đây câu đố được in ra khá nhiều với số lượng khá lớn và tái bản nhiều lần. Điều đó chứng tỏ câu đố phát huy được những mặt tích cực của nó. Báo chí cũng đăng nhiều câu đố, đài truyền hình cũng có nhiều cuộc đố với tính chất vui để học. Câu đố có thể dùng để giải trí cho các nhà khoa học, các nhà văn sau những giờ lao động mệt mỏi.

Câu đố giúp các bạn học sinh phát triển óc quan sát, so sánh, khả năng tưởng tượng và liên tưởng; ít nhiều giúp ích cho việc học văn và khả năng suy luận trong khoa học.

Báo Thanh Niên ra ngày 30/5/2001 có bài “Văn của các em khiến người lớn cười ra… nước mắt” được báo Phụ Nữ (TPHCM) chủ nhật số ngày 17/6/2001 trích đăng lại. Chúng tôi cũng xin chép lại đây cho các bạn tham khảo:

Đề tập làm văn trong kì thi tốt nghiệp tiểu học vừa diễn ra ở tỉnh nọ: “Em hãy tả hình dáng và tính tình của một cụ già mà em rất kính yêu”. Xin trích nguyên văn 8 bài làm của học sinh nông thôn:

1. Hình dáng của bà nội rất là thấp, được hai mét rưỡi, dáng đi rất chậm chạp, mắt thì lừ đừ ít nhìn thấy gì nữa… Khi bà nội cười liền nhe mầm răng ra còn được ba bốn cái gì mà thôi.

2. Con mắt của bà tròn như hòn bi, mũi có hai cái lộ, miệng cụ già có hai cái tai, tóc của bà đã bạc phơ. Cổ ngắn gọn, thân của bà 2, 3 thước, bà có hai cái tay, hai cái chân.

3. Bà cụ ngoài 40 tuổi.

4. Hình dáng của ông rất bình thường, chiều rộng một mét, chiều cao hai mét.

5. Mỗi khi ông cười hàm răng của ông không được trắng và chắc như trước nữa mà đã gãy 4 cái răng. Khuôn mặt của ông không còn đẹp trai như trước nữa mà rất nhăn nhó, ông cười cũng như là ông giận.

6. Khuôn mặt ông bầu bĩnh; đôi mắt ông như đôi mắt bồ câu trắng; dáng đi của ông rất hoang thai và cái miệng của ông như trái tim mãnh liệt.

7. Ông của em dài thì bằng mười mét và không mập.

8. Ông của em cao khoảng 1m, khung mặt của ông như trái song.

Chúng tôi nghĩ nếu các em bớt đọc truyện tranh nhảm nhí, in ấn xô bồ, quan tâm hơn đến sách văn học và thuộc được một số câu đố dân gian như chúng tôi dẫn ra ở phần 1) và 2) của bài viết này, chắc chắn các em không đến mức làm văn miêu tả dở đến như vậy.

Nhưng cũng phải nói ngay rằng: dùng một cuốn câu đố để thay cho một giáo trình lịch sử, địa lý, toán học… thì sẽ không đúng với mục đích của câu đố và sẽ hoàn toàn thất bại. Câu đố chủ yếu vẫn để giải trí)
Trong các câu đố đăng trên Tài Hoa Trẻ, bên cạnh việc cung cấp thông tin để nhận ra sự vật, chúng tôi cố gắng đưa vào những yếu tố có chất văn học hoặc từ đó dẫn đến các bài thơ hay, hoặc các câu cách ngôn, thành ngữ hay, để tăng phần thú vị cho người chơi câu đố, đồng thời cũng giúp cho các em học sinh qua đó có thể biết thêm một số kiến thức trong văn học. Ví như khi đố “đôi đũa”:

Vênh váo là rất hại
Ái ngại chị chìa vôi
Rất thương người mỗi miếng
Tôi dâng mời tận môi
Đừng đem tôi trả bạn
Kẻo mang tiếng hẹp hòi.

Trong câu đầu, chúng tôi muốn nhắc tới thành ngữ “Vợ dại không hại bằng đũa vênh”. Trong câu 2 muốn nhắc đến thành ngữ: “Đũa có đôi, chìa vôi lẻ bạn”. Hai câu cuối muốn nói “hành động trả đũa” thường là các hành động không cao thượng.

Hay câu đố về “cơm”
Phải đâu bát phở ăn chơi
Gắn bó một đời như thể vợ ta
Thảo thơm nuôi sống vạn nhà
Nhưng sao mẹ ruột lại là đàn ông
Có khi nào hóa cá không?

Hai câu đầu muốn nhắc một “thành ngữ” vui trong dân gian… lận: “Cơm là vợ, phở là bồ”. Câu thứ tư nhắc hai thành ngữ: “Cơm tẻ – mẹ ruột” và “Thuốc nam thuốc bắc bú cặc cho cơm”. Thành ngữ này sinh thời Chế Lan Viên rất tâm đắc. Ông (ký Chàng Văn) đã dẫn ra để minh lý cho quan điểm của ông là “Không có từ nên thơ hay không nên thơ miễn là sử dụng nó đúng chỗ thì sẽ hay, sẽ thơ”. Câu cuối ở câu đố này cũng nhắc đến một danh từ hay dùng là “Cần câu cơm”.

Bài thơ đố:

Sen tàn, cúc thắm, trời hanh
Nhẹ rơi chiếc lá nửa xanh nửa vàng
Bay từng giọt – nắng ngân vang
Thoảng thơm hương cốm trong làn heo may
(Chớm thu)

rất bình thường, chẳng có gì đặc sắc. Nhưng cái chính là mỗi câu trong bài lại gợi nhớ ra những câu thơ xuất sắc về mùa thu.

– Sen tàn cúc lại nở hoa là câu Nguyễn Du tả cảnh hè sang thu (Kiều)
– Câu thứ hai gợi nhớ hai câu thơ của Thanh Tùng: Một mặt lá mùa hè còn níu ở / Mặt kia thoáng đã thu rồi.
– Câu 3 nhắc thơ Nguyễn Mỹ:

Nắng bay từng giọt – Nắng ngân vang
Ở trong nắng có một ngàn cái chuông.

– Câu 4 nhắc thơ Nguyễn Vũ Tiềm:

Sợi rơm vàng buộc gió
Cả sóng sánh sen hồ
Nắng đa tình Bến Nghé
Phải lòng hương cốm thu.

Hay thơ Lương Hữu:

Thu ở ngàn thu tà áo trắng
Em ngồi chia nắng với heo may.

Hoặc đây nữa:

Gửi đi một chút heo may
Để bên ấy biết bên này thu sang
(Đặng Nguyệt Anh)

Hay bài thơ đố về tình yêu:

Cho ăn no thì chết
Càng đói càng khỏe ra
Cứ uống xong lại khát
Chợt gần rồi chợt xa
Con dao rỉ rồi mẻ
Không cắt nghĩa được mà.

Hai câu đầu nhắc danh ngôn của A.De Musset: Tình yêu là con quái vật; sống trong đói lả và chết trong sự no say. Câu 3 nhắc thơ Xuân Diệu: Uống xong lại khát là tình / gặp rồi lại nhớ là mình của ta. Câu 4 nhắc thơ Lê Thị Kim: Tinh yêu không là gió / chợt gần rồi chợt xa / Tình yêu không là cỏ / Mọc lan man thềm nhà. Câu 5 nhắc thơ Hoài Anh: Tình yêu như con dao / Để thì rỉ / Chặt thì mẻ / Em tính sao?. Câu cuối nhắc thơ Xuân Diệu: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?

Phần câu đố về các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ chúng tôi cũng cố gắng cung cấp những thông tin cần thiết nhất về các văn nghệ sĩ đó để các bạn yêu văn học nghệ thuật thêm hiểu, thêm yêu văn nghệ và các bậc tài hoa của đất nước.

Chơi câu đố là một thú chơi tao nhã mà mọi tầng lớp nhân dân đều có thể tham gia. Đọc “Hồng lâu mộng” chẳng hạn, ta bắt gặp những cuộc chơi rất hào hứng mà từ chủ nhân có quyền uy cao nhất đến các con sen đầy tớ đều tham gia một cách bình đẳng. Người giải đúng câu đố có thể không phải là người học thức cao mà có khi chỉ là người thường vẫn được xem là rất dốt nát. Không ai căn cứ vào cuộc chơi câu đố mà đánh giá học vấn, tư tưởng chính trị… của người khác. Thường nhiều khi biết lời giải câu đố rồi, người ta còn cố tình giải sai đi cho vui. Người ta cũng gợi ý và nhường cho người bề dưới, trẻ em… giải đúng để thưởng cho chúng. Đó là văn hóa của lối chơi câu đố. Người tham gia chơi câu đố, khi nghe một người đố mà mình biết lời giải rồi cũng đừng vội vàng nói ngay, nếu không sẽ mất đi những tranh luận thú vị và người ra đố cũng cụt hứng, mất vui.

Câu đố xem ra cũng có nhiều công dụng. Xin dẫn ra đây hai mẩu chuyện về Thanh Tịnh đã được nhà văn Ngô Vĩnh Bình kể trong cuốn “Thanh Tịnh như tôi biết”

Dùng câu đố để giữ trật tự

Nhà thơ Thanh Tịnh rất quý trẻ nhỏ, và ngược lại, trẻ nhỏ cũng rất thích gần ông. Biết ông sống độc thân hay buồn, anh em trẻ công tác ở Tạp chi Văn nghệ quân đội và cánh nhà văn, nhà báo thường dắt con đi cùng mỗi lần ghé thăm nhà thơ. Trẻ đến chơi thường rất mê bộ “sưu tập” đồ chơi của ông, nhất là những loại súng, ngựa. Chúng cứ hỏi ông hết câu nọ đến câu kia…Một tết, khách lớn đông mà khách nhỏ đến cũng thật nhiều. Ông bảo bọn trẻ cũng là khách nhưng là “khách mini”. Khách mini lắm khi nhõng nhẽo quấy quả bố mẹ, vòi vĩnh nhà thơ đến mức không trò chuyện nổi. Nhiều bé bị bố mắng đâm ra ỉu xìu. Thanh Tịnh không bằng lòng. Ông chia đều kẹo bánh cho lũ trẻ và bảo:

– Bây giờ ông tiếp các cháu hề?

Lũ trẻ nhao nhao đến quanh ông. Ông nói là ông sẽ ra câu đố cho chúng và “treo giải 50 đồng” cho những cháu trả lời được đúng và nhanh. Bọn nhóc khoái lắm, giục ông “đố đi”. Ông hắng giọng, liếc qua chữ “Pháo tết” bên bàn và đọc:

Đến ngày pháo nổ gần xa
Đọc đi đọc lại, vẫn là tên tôi!
(Là chữ gì)

Lũ trẻ đoán non đoán già thì ông đã bảo: “Xuống dưới nhà nghĩ nhé! Ai giải đúng lên lĩnh thưởng”.

Tự nhiên bọn trẻ chạy ào ào xuống dưới sân một cách triệt để, nhường “chỗ” cho người lớn chuyện trò. Một tuần trà đã qua mới lác đác có cháu lên và được nhà thơ phán: “Trật rồi, cho giải lại”. Mãi cả giờ sau bọn trẻ mới kéo lên gác được đông đủ. Thanh Tịnh dõng dạc: “Vậy là không cháu nào đoán được. Đó là chữ “Tết”, dễ ợt!” Tuy vậy ông vẫn khuyến khích bằng cách cho mỗi cháu hai chiếc kẹo. Lũ trẻ khoái lắm, trước lúc ra về cứ “Chào ông” vang cả lên.

Dùng câu đố để chữa cháy báo xuân

Tờ báo nọ dự định ra số xuân sớm hơn mọi năm vì quan niệm báo tết là thứ hàng hoa, phải kịp thời đến tay bạn đọc. Nhưng hiềm một nỗi ông bạn họa sỹ “mi” tính toán số chữ không chính xác, nên khi ra “bông” thấy bị thủng nhiều chỗ. Đưa ảnh vào cũng được, nhưng kiếm không ra, đưa bài khác vào thì hỏng hết ý đồ mà cũng chẳng đủ “đất”. Viên thư ký tòa soạn nhanh ý guồng xe đến “cụ” Thanh Tịnh với ý đồ xin vài mẩu chuyện hoặc câu đối để “lấp chỗ trống”.

Năm ấy tuổi đã “thất thập cổ lai hy” nên viết lách có phần chậm. Có tí vốn liếng nào cũng đã “bị” các báo khác nhanh chân hơn đến “chộp” trước cả rồi. Vì thế nên khi nghe lời “thỉnh cầu” đầy vẻ S.O.S ông cũng rất lo. Nhưng chỉ một thoáng đã thấy ông hỏi: “Bản bông có đây không?”. Người thư kí đưa ra cho nhà thơ xem. Quả bị “thủng” đến mấy chỗ. Dường như không phải suy nghĩ nhiều, nhà thơ cao niên vớ lấy cây bút bi, giương kính lão lên và viết liền vào chỗ trống lớn nhất một câu đố:

Phần đầu tôi mệt lắm rồi
Phần đuôi lặng lẽ giúp người che thân
Nếu đem ghép lại hai phần
Tôi kêu một tiếng, xa gần biết tên
Là chữ gì?
(Xem giải đáp trang…)

Ông lật đi lật lại bản “bông”, tìm ra một chỗ “thủng” khác, ông ghi lời giải: Pháo (ph là mệt phờ + áo = pháo). Đoạn ông bỏ kính, buông bút, trả bản bông cho vị khách và hỏi: “Ổn chưa?”. Người nọ chỉ biết cười, vội guồng xe tới nhà in.

Dùng câu đố để mời bạn đến ăn cơm

Đây không phải là chuyện về nhà thơ Thanh Tịnh mà là về một Đại tá bạn tôi. Tôi và anh bạn thường hay lai rai trò chuyện. Bẵng một thời gian do cả hai đều quá bận. Một hôm ghé một trường đại học thì gặp nhau. Mừng quá. Anh hỏi tôi: “Đặng Hấn lâu nay đang sưu tầm câu đố phải không?”. Nghe nhắc câu đố là tôi khoái lắm, liền túm ngay lấy anh. Tôi hỏi “Sao ông biết?” Thay cho câu trả lời, anh bạn nói “Đố cậu một câu đây: Một cô đến, sáu anh sờ. Hai anh sờ ngực, hai anh sờ đùi. Một anh sờ khắp mọi nơi. Anh sờ mông đít miệng cười lôi ra. Cô trông thấy, cô cười xòa: “Xin mời các vị cứ là tự nhiên!” Là gì?

Tôi vận dụng tất cả các kỹ năng phán đoán mà vẫn không hiểu là gì, đành chịu thua và hỏi: “Là chuyện gì thế?”. Anh nói rất nghiêm trang: “Đâu phải dễ thế! Cậu muốn biết là gì thì đúng 11 giờ trưa mai đến nhà ăn tập thể của bọn mình, chỗ chúng ta vẫn nhậu ấy rồi khắc biết!” Nói xong anh chẳng thèm bắt tay tôi, dứt khoát bỏ ra đi.

Đúng giờ ngày hôm sau tôi tới thì thấy anh và mấy “chiến hữu” quen thuộc cùng bia rượu đã bày biện sẵn sàng. Chính ở nhà ăn này, tôi đã có lời giải của câu đố: Mỗi bàn ăn xếp sáu người. Chuẩn bị ăn thì có một cô nhân viên đến kiểm tra phiếu ăn và mọi người vội vàng sờ vào túi áo (sờ ngực), người sờ túi quần (sờ đùi), người sờ túi sau (mông đít) để tìm phiếu ăn… Lúc ra về anh bạn dặn tôi: “Thỉnh thoảng lại thăm anh em, có thơ gì hay đọc cho nghe. Đừng ham hố làm ăn quá. Hôm nay cậu đến đây là vì câu đố chứ đâu phải vì bạn bè!” Biết cãi lại cũng chẳng ăn thua và câu nói của bạn cũng chẳng phải hoàn toàn vô lý, tôi chỉ còn biết im lặng đồng ý.

Câu đố cũng còn được dùng như các câu chuyện vui

Câu đố loại này góp thêm hứng thú cho các buổi giao lưu gặp gỡ bạn bè hoặc làm giảm mệt mỏi trong các chuyến chu du dài trên xe tàu vất vả.

Có lẽ người biết nhiều câu đố nhất là các hướng dẫn viên du lịch. Một lần xe gần đến thủy điện Hòa Bình mọi người đã uể oải lắm. Anh hướng dẫn viên du lịch đưa câu hỏi:“ Đố các vị biết vì sao khi các chàng trai trao nhẫn cưới, thì các cô gái lại thích nhẫn kim cương hơn nhẫn vàng, dù rằng nhẫn vàng thường vẫn to hơn nhẫn kim cương?”. Tất nhiên các cô ai mà chả biết vì nhẫn kim cương đắt tiền hơn. Nhưng nói ra sợ người ta chê mình thực dụng. Còn người lớn tuổi thì đều nghĩ chắc phải có lý do gì khác, chứ không thì ai đố làm gì. Thế là chẳng ai lên tiếng. Mãi sau mới có một cụ tóc đã bạc sáu bảy phần cười và nói: “Có gì đâu. Các bà các cô chỉ cần quan tâm cứng hay mềm chứ ai mà chú ý to hay nhỏ!”. Tất cả xe cười rộ. Anh hướng dẫn viên vái tay trước cụ già: “Xin bái phục cụ. Đúng là không cái gì qua mặt được các bậc cao niên!”

Một lần khác xe đi trên đất Phan Rang, gần tới đèo Ngoạn Mục. Trời giữa trưa nắng ơi là nắng. Anh hướng dẫn viên lại ra câu đố: “Có hai anh chị yêu nhau rất thắm thiết. Nhưng rồi do những lý do khách quan rất chính đáng họ không lấy được nhau, chẳng ai có lỗi với ai và họ vẫn mang mối tình ở một nơi thầm kín của trái tim dù cô gái đã đi lấy chồng. Một hôm tình cờ họ gặp nhau ở một sân ga cũng giữa trưa đứng bóng như bây giờ (Anh hướng dẫn viên chỉ tay ra trời nắng). Sau phút hàn huyên đầy cảm động, quên cả nắng cháy giữa sân ga, họ lại phải chia tay vì họ đi tàu khác nhau và đã sắp đến giờ tàu chuyển bánh. Anh thanh niên xin phép được hôn cô gái. Suy nghĩ một lát, cô gái nói: “Em đồng ý cho anh hôn. Nhưng anh hãy hôn lên chỗ nào mà chồng em sẽ suốt đời không bao giờ hôn lên đó”. Anh thanh niên ngần ngừ một lát, cúi sát xuống phía chân cô gái, hôn một cái “nóng bỏng”. Rồi họ chia tay nhau. Vậy anh thanh niên đã hôn lên cái gì của cô gái?”
Im lặng một lúc lâu rồi bắt đầu ồn ào.
– Chắc hắn hôn lên chiếc giày?
– Ai lại hôn lên giày bao giờ?
– Hôn lên giày thì chồng cô ta cũng hôn lên được!
– Hay hắn hôn lên gấu quần?
– Gấu quần hôi bỏ mẹ, ai lại hôn!
Một ông trung niên buột miệng
– Đã yêu nhau thì nó còn hôn lên cả những chỗ hôi hơn ấy chứ!
Cô vợ ngồi bên đỏ bừng mặt nguýt chồng rồi nói nhỏ nhưng rất gay gắt:
– Thôi im đi. Không biết xấu hổ!
Cả xe ồn ào lên một hồi, sau đó anh hướng dẫn viên mới trả lời
– Chàng thanh niên đã đặt một cái hôn “nóng bỏng” lên cái bóng của cô gái trên sân ga!
Một đáp án rất bất ngờ và rất thơ mộng. Đúng là chàng thanh niên chỉ còn biết theo đuổi, giữ gìn hình bóng của người yêu. Những gì thuộc về vật chất đã có chủ nhân rồi!

Tôi nhớ lần ấy xe du lịch chở chúng tôi từ Thượng Hải sang Hàng Châu. Phong cảnh thật nên thơ mà mọi người trên xe đều mệt mỏi ngủ gà ngủ gật, vì đã trải qua mấy ngày mệt mỏi do đi quá nhiều (Người hướng dẫn viên du lịch đặt tên cho đoàn tham quan của chúng tôi là đoàn văn công Sóng-Giang. Tức là cứ đêm mới về khách sạn ngủ mà sáng ra là dong!). Thấy tiếc cho mọi người bỏ qua không chiêm ngưỡng phong cảnh nên thơ hai bên đường, nơi quê hương của các nhà thơ lớn như Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị, tôi liền lên tiếng.
– Xin đố các vị một câu đố đây!
Không thấy ai hưởng ứng, nhưng tôi vẫn nói dõng dạc
– Đố các vị biết cái gì mà mới có, đang còn thì không cho được. Phải đợi đến lúc hết mới cho được?
Câu đố gây sự tò mò. Tưởng đâu chẳng ai để ý vì thấy im phăng phắc. Nhưng thực tình mọi người đều đã nghe và đang suy nghĩ. Lát sau, đây đó mới lao nhao lên
– Là cái gì thế?
– Chịu thôi. Giải ra đi ông Hấn ơi!
Đợi một chút cho mọi người thêm sốt ruột, rồi tôi mới nói:
– Tôi cũng không biết nó là cái gì mà lạ thế. Vốn là có một lần, do tình cờ nghe được hai anh chị đang tâm tình. Anh con trai nói: “Em ơi! Cho anh đi! Chúng mình yêu nhau mà!”. Cô gái nói: “Em mới có, đang còn, không cho được! Ráng đợi thêm mấy bữa hết rồi em cho! Ngốc ạ!”. Đến bố tôi cũng chẳng hiểu là cái gì. Đố các vị là cốt để hỏi. Ai ngờ các vị cũng không biết à?
– Bố láo chi xiên!
– Thằng phải gió!

Đây đó rợn lên tiếng nói xen tiếng cười. Mọi người nhìn ra hai bên đường: trắng xóa một màu hoa cúc. Đây là quê hương của “trà” hoa cúc Trà gồm toàn hoa cúc. Tuyệt nhiên không có lá chè.. Cùng với màu trắng là hương thơm ngào ngạt tràn vào xe. Tất cả đã tỉnh táo. Nhờ mầu sắc? Nhờ hương thơm? Biết đâu một phần lại chẳng vì câu đố?

SÀI GÒN những đêm tháng 8/2001.

ĐẶNG HẤN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Để lại bình luận