Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam

bởi Đặng Hấn
737 views

6. Tạo ra mâu thuẫn giả

Phát hiện, tạo ra các nghịch lý giả cũng là nghệ thuật được áp dụng khá nhiều và khá thành công trong câu đố dân gian. Nó gây tò mò, kích thích tính hiếu kỳ của người chơi câu đố.

Đi đến đấy
Thấy ở đấy
Lấy được thì để lại đấy
Không lấy được thì mang nó về!

Cái gì mà lạ thế nhỉ? Lấy được thì để lại? Không lấy được lại mang nó về? Mang sao được? Nhưng khi có lời giải: Đó là việc dẫm phải gai. Lấy được ra thì ai mang về làm gì. Mà không lấy được thì đành phải mang nó về rồi tìm cách lấy ra sau chứ biết làm sao? Mọi chuyện thế là rõ ràng.

Theo lẽ bình thường, ở mọi con vật ngoài cùng là lông, rồi đến da, tiếp theo là thịt và cuối cùng là xương. Câu đố dân gian lại tìm ra rất nhiều điều tưởng như phi lý:

Bằng trang trái cà
Trong da ngoài thịt
(Mề gà)

Tồng phổng tồng phông
Trong lông ngoài thịt
(Lỗ mũi)

Vừa bằng hột lạc
Trong nạc ngoài xương
(Con ốc)

Hay bình thường đã gọi bằng ông thì phải nhiều tuổi rồi. Với lại người già phải nhiều tuổi hơn người trẻ. Đằng này:

Năm ông cùng ở một nhà
Tình huynh nghĩa đệ vào ra thuận hòa
Bốn ông tuổi đã lên ba
Một ông đã già lại mới lên hai
(Bàn tay năm ngón)

Hay như các câu:

Lưng đằng trước
Bụng đằng sau
Con mắt, cái đầu
Cách độ vài gang
(Cái bắp chân)

Đầu trọc long lóc
Tóc mọc bên trong
(Bóng điện)

Muốn to thì lấy bớt đi
(Cái hố)

Đứng thấp, ngồi cao
(Con chó)

Muốn nhanh chạy lại
(Đẩy thuyền)

Muốn dài cắt đi
(Bút chì)

Không vay mà trả
(Thuế)

Không vả mà sưng
(Cái mụn)

Không bưng mà kín
(Quả trứng)

đều thuộc loại tạo ra các mâu thuẫn giả tạo.
Để tạo ra mâu thuẫn giả, người ta cũng hay kết hợp với nghệ thuật chơi chữ, ví như:

Chưa cất thì chưa thấy
Cất rồi mới thấy
(Nhà cửa, công trình)

Ở đây “cất” là xây dựng , dựng lên chứ không phải là cất giấu.

Hay như câu đố của chúng tôi ở trên:

Trễ nải cha mừng
Sai trái mẹ vui

Cũng là học cách chơi chữ để tạo ra mâu thuẫn giả tạo vậy.

Tài quan sát và óc hài hước cũng giúp tạo ra những sự vật đầy mâu thuẫn như khi đố về cái kim khâu tay:

Mình dài một tấc
Đuôi dài thước năm
Khi đi thì nằm
Khi ngồi thì đứng.

Để tạo ra mâu thuẫn giả, đôi khi tạo ra cả những đối tượng có vẻ cực kỳ phi lý, người ta còn áp dụng cả thủ pháp kết hợp nhiều đối tượng lại. Ví dụ như câu đố:

Bốn chân đạp đất tứ tung
Hai chân lưng chừng
B… ở bụng
L… ở lưng
Là con gì?

Chưa nghe lời giải, kể cũng khó đoán được. Đó chính là con trâu đực có người đàn bà cưỡi.

Ở trên là kết hợp hai đối tượng thực. Để khó đoán hơn nữa, người ta còn kết hợp đối tượng thực với đối tượng ảo. Chẳng hạn như câu đố:

Hai chân nhìn thấy, bốn chân không
Đàn bà mắng đuổi, đàn ông lén tìm
Là con gì?

Câu trả lời khá bất ngờ: Là con đĩ ngựa!

Bài viết liên quan

Để lại bình luận