Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam

bởi Đặng Hấn
737 views

11. Nghệ thuật chiết tự

Từ một chữ viết, tách ra từng bộ phận sẽ tạo ra các nghĩa khác nhau. Câu đố kiểu này rất thịnh khi chữ Hán còn phổ biến. Ngay cả những người ít sành Hán học thường cũng từng thích thú câu đố về chữ Điền:

Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian

Phát hiện thú vị nhất là trong truyện Kiều có một câu tả đúng chữ Tâm không cần phải chỉnh sửa một chút nào:

Một vành trăng khuyết, ba sao giữa trời

Tài nhất, tình nhất là hai câu thơ dùng lối chiết tự để nói hiện tượng không chồng mà có con của nữ sĩ Xuân Hương

Xuân thiên chưa thấy nhô đầu dọc
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang

Chữ Thiên (có một nghĩa là ngày) nhô một nét đầu lên là chữ Phu (nghĩa là chồng); chữ Liễu thêm một nét ngang thành chữ Tử (nghĩa là con). Có thể hiểu nghĩa nôm “Ngày xuân chưa đến liễu sao đã nẩy lộc”. Tuy nhiên ngay cả các ngôn ngữ sử dụng mẫu tự La Tinh chắc cũng không hiếm những chiết tự hay. Các thầy cô giáo dạy tiếng Pháp thường vẫn hay đố học sinh câu đố chiết tự về chữ cái A, chữ cái đầu bảng:

Je suis le chef de 24 gardiens de Paris
Paris sans moi est pris
(Tôi là “sếp” của 24 tên lính gác thành Pa-ri / Không có tôi, thành Pa-ri sẽ bị chiếm đóng)

Câu đố chiết tự này hay cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Câu nọ gợi câu kia rất chặt chẽ.

Trong nhiều tập truyện vui Anh văn, ta thường gặp mẩu chuyện: Kết thúc buổi dạy, thầy giáo thông báo bằng phấn trên bảng: “Buổi học sau, do bận việc, tôi không thể gặp được các trò (CLASSES) của mình”. Thầy giáo vừa bước ra khỏi cửa đã nghe rộn tiếng cười. Ông ngoảnh lại và nhận ra thông báo đã bị sửa: “Buổi học sau, do bận việc, tôi không thể gặp được các tình nhân (LASSES) của mình”. Thầy giáo quay trở lại, xóa bớt một chữ cái L và để lại thông báo: “Buổi học sau, do bận việc, tôi không thể gặp được các con lừa (ASSES) của mình”. Các nhà sáng tác câu đố tiếng Anh, qua câu chuyện này dễ dàng tạo được các câu đố chiết tự khá hóm hỉnh. Ở chữ Việt còn có một lợi thế là có hệ thống dấu.

Hồi gần đây, nhân có việc viết lại sách giáo khoa lớp một, dạy chữ e trước chữ a gì đó, một ông bạn già vô cùng yêu văn hóa Việt chạy đến nhà tôi đập cửa ầm ầm. Tôi vừa ra ông đã nói: Chữ “a”, chữ “ba”, chữ “bà”, chữ “má”… là những tiếng phát ra đầu đời con người. Nó là chữ của tâm linh, không dậy trước lại đi dạy chữ “e” trước. “Bê” “bê” “be” “be”… thế thì biến lớp trẻ thành đàn dê rồi còn gì! Tất cả đều là vấn đề tâm linh, là sắp đặt của trời đất, không thể muốn thế nào cũng được. Ngay những cái dấu cũng vậy. Cậu có biết tại sao người ta lại kể thứ tự dấu “huyền” trước rồi đến dấu “sắc” sau mới đến dấu “hỏi”, tiếp nữa là dấu “ngã”, cuối cùng mới là dấu “nặng” không?

Tôi do dự: “Dạ, có lẽ cũng là do thói quen”.

– Thì đành là thói quen. Nhưng cũng là do tâm linh hướng dẫn cả. Cậu có thấy cái tình yêu vợ chồng để nối dõi nòi giống là hệ trọng nhất trong đời không? Ấy đấy: Trai gái mới gặp nhau thì “cười” (dấu huyền), sau được sự đồng ý gia đình mới “cưới” (dấu sắc), cưới xong rồi mới “cưởi” (cởi – dấu hỏi), cưởi xong rồi mới “cưỡi”… Do không biết tôn trọng trật tự của trời đất nên mới nhốn nháo lên, chưa đánh dấu nọ đã đánh dấu kia. Cậu thử xem, đôi nào không chịu tuân thủ quy luật tâm linh, thì rồi có nên cái quái gì đâu!

Tôi chẳng biết ông bạn già nói đùa hay thật. Kể lại chuyện này chỉ để thấy cái lợi hại trong hệ thống dấu của chữ Việt và cũng là một hứa hẹn cho câu đố chiết tự ở nước ta.

Tuy nhiên, nhìn về đại thể, những câu đố chiết tự còn khá đơn điệu và nhạt nhẽo, đại loại như: chữ “Tu” tức là vào chùa ở; thêm dấu huyền thì bị bắt giam; bỏ huyền thêm dấu sắc thì thành tốt nghiệp phổ thông (cậu tú); bỏ sắc thay bằng hỏi thì thành thứ đựng quần áo… Đố kiểu thế thì chữ gì cũng đem ra đố được. Nhưng chẳng có gì là đáng ghi nhớ cả.
Tuy nhiên đây đó cũng vẫn xuất hiện những câu “chiết tự” thú vị. Xin dẫn vài ví dụ:

Giỏi làm mứt, thạo nấu canh
Đến khi mất sắc theo anh học trò.
(Chữ Bí)

Thực ra, có sắc lại hay theo anh học trò hơn, đặc biệt là khi học trò học toán!

Ở đây còn sắc có thể hiểu là còn sắc đẹp chẳng hạn, chứ nói còn dấu sắc hay thay dấu sắc bằng dấu huyền… thì còn gì thú vị nữa.

Tê đầu tê đuôi
Ê mình ê mẩy.
(Chữ Tết)

Đúng với không khí ngày tết, thật là mệt mỏi.

Đầu bò mà gắn đuôi heo
Ai mà gặp nó lăn queo tức thì.
(Chữ Beo)

Câu đố này hay về mặt phương pháp. Nó mở ra một hướng đi trong câu đố chiết tự.

Cái ly mà để giữa bàn
Hồi lâu coi lại, vẫn hoàn như xưa
(Chữ Y)

Cái hay của câu đố này là vừa tả hình dáng, vừa nói nghĩa của chữ Y. Chữ Y hoa rất giống cái ly, nhất là ly để uống sâm panh. Y có nghĩa là không thay đổi

Cắt đầu, chỉ còn có râu!
Chắp vào lại đủ đuôi đầu, mình, chân!
(Chữ Trâu)

Đen huyền mà lại đỏ
(Chữ Đèn)

Câu đố rất ngắn này lại hay ở nhiều phương diện: Thứ nhất là nghệ thuật sử dụng dấu rất khéo. Dấu huyền kết hợp với chữ đen thành đen huyền. Đen huyền, đen mun…là từ rất hay dùng nên không lộ liễu việc sử dụng dấu. Cái hay nữa là câu đố gần như vừa đố vừa giảng. Đen-huyền là “đánh vần” chữ “đèn”. Ở đây còn thú vị ở nghệ thuật chơi chữ. Đã đen, thậm chí đen huyền mà còn đỏ sao được. Và như thế lại tạo ra được mâu thuẫn giả. Từ “đen huyền” hay được dùng để nói về mắt đẹp, mắt sắc, mắt trong. Mắt đỏ là mắt đau, mắt toét. Toàn chuyện trái ngược. Mà từ đỏ đèn cũng lại rất quen thuộc:Láng giềng đã đỏ đèn đâu? là thơ Nguyễn Bính:

Nguyên hình nó con anh tôi
Chặt đuôi, xóa dấu, nó đòi làm cha
Ráp đuôi, móc ruột nó ra
Tự nhiên nó lại hóa ra chú mình.
(Chữ Cháu)

Câu đố này hay là ở chỗ “giải phẫu” chữ đủ kiểu để tạo ra nhiều chữ, nhiều nghĩa khác nhau (Đó vốn là công việc của “chiết tự”). Nhưng các câu, các chữ tạo ra có liên quan mật thiết với nhau theo một quan hệ là quan hệ huyết thống, quan hệ gia đình, nên không rơi vào tình trạng “đầu Ngô, mình Sở”, ông chẳng bà chuộc như rất nhiều câu đố chiết tự phạm phải.

Học tập câu đố dân gian, chúng tôi cũng đã giới thiệu một số câu đố kiểu “chiết tự” trên Tài Hoa Trẻ:

Bỏ nón – thành bánh
Để nón – xuân sang
Có nón hay không nón
Vẫn bạn với mai vàng.
(Chữ Tết)

Che đầu thì hỏi
Giấu đuôi: trả lời
Giấu cả đầu đuôi:
Reo lên vui thích
Không hề bưng bít
Thin thít lắng nghe.
(Chữ Tai)

Đợi o một kiếp chẳng nề
Suốt đời anh chẳng nhận về mảy may
(Chữ Cho)

Hai đầu giải tỏa cả
Vạn mét vuông có ngay
Một đầu thôi giải tỏa
Dẫu sao vẫn còn hay
Để nguyên vẹn hơi găy:
Chỉ ngồi chơi xơi nước!
(Chữ Khay)

Chúng tôi nghĩ “chiết tự” là nguồn cung cấp vô tận các câu đố, nhiều khi khá bất ngờ. Tất nhiên không phải quá dễ dãi như đã nói ở trên. Chẳng hạn việc thay đổi một cái dấu đã làm nghĩa chữ thay đổi hẳn. Nhưng cũng như chữ “cười” trong câu chuyện của ông bạn già ở trên, các chữ nghĩa tạo ra phải được kết nối theo một hệ thống lôgic nào đó để tạo thành một chủ đề. Không thể đầu Ngô mình Sở, mỗi câu mỗi dòng một chủ đề khác nhau. Một điều quan trọng nữa là nếu sử dụng dấu, thì phải biết giấu cái dấu thật khéo sao cho người ta không biết mình sử dụng dấu.

Bài viết liên quan

Để lại bình luận