Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam

bởi Đặng Hấn
735 views

10. Đố Kiều

Từ truyện Kiều, các tác giả dân gian đã khéo léo “tập” ra những câu thơ ghép thành những câu đố thật là thú vị. Chúng tôi xin dẫn ra một số câu làm thí dụ:

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Đinh ninh hai miệng một lời song song

hoặc:

Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
(Diều sáo)

Tả cái diều mà ví với vừng trăng, với cánh hồng bay bổng đều là tuyệt diệu. Còn cái sáo diều thì sao? Cái nào cũng có hai miệng song song và mỗi loại sáo chỉ phát ra một tiếng kêu (một lời) tùy loại to nhỏ. Thí dụ sáo ro chỉ phát ra tiếng ro… ro…Sáo rô chỉ phát ra tiếng rô… rô… Người làm câu đố rất hiểu về diều sáo mà cũng rất thông tỏ truyện Kiều.

Vâng lời khuyên giải thấp cao
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn
(Cái cân)

Rõ là phải “cân” đi nhắc lại rồi nhé!
Trên vì nước, dưới vì nhà
Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng
(Máng xối)

Máng xối mà không “vì nước” với “vì nhà” thì còn vì cái gì nữa!
Trót vì tay đã nhúng chàm
Cỏ pha mầu áo nhuộm lam da trời
(Thợ nhuộm)

Thợ nhuộm thì suốt ngày tay nhúng chàm, suốt ngày pha mầu với nhuộm là đương nhiên. Mà có lẽ người thợ nhuộm này đang hành nghề ở miền núi?

Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao
Trông ra nào thấy đâu nào
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

Rõ rành rành là “anh chàng thông manh” rồi nhé! Có thèm để ai vào mắt bao giờ!

Đố về cái nón mà dùng những câu Nắng mưa mấy độ rồi Ai ai cũng đội trên đầu thì tài tình thật:

Nắng mưa mấy độ đổi dời
Dẫu rằng sương trắng quê người quản đâu
Ai ai cũng đội trên đầu

Hóm hỉnh nhất là đố về cái quần hay cái váy của gái giang hồ:

Cởi ra rồi lại buộc vào
Vườn hồng đâu dám ngăn rào chim xanh
Cho hay là giống hữu tình
Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong

Đúng là cởi ra buộc vào xoành xoạch. Và “vườn hồng” này chim cò ra vào thoải mái, chẳng ai mà ngăn rào được. Tơ mành thì cứ rối bòng bong, có mà trời gỡ!

Còn “đôi gò bồng đảo” của thiếu nữ thì sao?

Trong ngọc, trắng ngà, dầy dầy…
Trông càng đắm, ngắm càng say
Ở trong còn lắm điều hay
Chẳng duyên chi dễ vào tay ai cầm

Hấp dẫn lắm, quyến rũ lắm! Nhưng nếu không có duyên thì đừng có mà “cầm”!

Tuyệt vời nhất là câu đố về ngọn nến:

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài
Mot mình âm ỉ canh chầy
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi

Bị gò bó chỉ bởi những câu Kiều mà viết về ngọn nến như vậy, cứ đem so với những tuyệt tác sáng tác tự do, đâu có thua kém gì.

Ngoài các câu đố bằng cách “tập” các câu Kiều như ở trên, người ta còn có nhiều cách đố khác. Thí dụ:

Đố:

Truyện Kiều anh thuộc đã lâu
Đố anh đọc được một câu hết Kiều

Đáp:

Trăm năm trong cõi người ta
Mua vui cũng được một và trống canh

Đố:

Truyện Kiều anh thuộc làu làu
Đố anh đọc được một câu năm người (*)

Đáp:

Này chồng, này mẹ này cha
Này là em ruột, này là em dâu

Cũng có nhiều người đề xuất câu đố dưới đây và đã gây ra nhiều tranh cãi vui vẻ, thú vị

Đố:

Truyện Kiều Thiếp chửa thuộc làu
Cậy chàng giải hộ: một câu sáu người (* *)

Đáp:

Này chồng, này mẹ, này cha
Này là em ruột, này là em dâu

và giải thích đáp án như sau: Chồng là Kim Trọng (1), mẹ là bà Viên Ngoại (1), cha là ông Viên Ngoại (1), em ruột là Thúy Vân và Vương Quan (2), còn em dâu? (1). Tổng số là 6 người. Nhưng em dâu là ai?

Chắc sẽ có người nói là vợ Vương Quan. Theo ý chúng tôi, trong cuộc hội ngộ đầu tiên này không có mặt nhân vật đó. Ta hãy đọc đoạn dưới, khi Thúy Kiều ra gặp lại gia đình:

Trông xem đủ mặt một nhà
Xuân già còn trẻ, huyên già còn tươi
Hai em phương trưởng hòa hai
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa!

Có nhắc gì đến ai nữa đâu? Nếu có một người khác nữa ở đấy, tinh tế, tế nhị như Thúy Kiều, chỉ cần liếc mắt một cái là đã biết ai rồi. Và chắc chắn nếu không chạy đến đầu tiên thì ít ra cũng là sau khi chạy lại cha mẹ. Đằng này lại phớt lờ đi thế ư?

Vậy theo chúng tôi, “em dâu” ở đây lại chính là Thúy Vân, vợ của Kim Trọng, nhưng mọi người trong gia đình đều thừa nhận là lấy sau Thúy Kiều. Thế mới là tế nhị. Bởi nếu chỉ giới thiệu Kim Trọng là “chồng” của Thúy Kiều thì Thúy Vân sẽ nghĩ gì vào lúc đó. Chính vì vậy mà dù “em ruột” có kể là hai (Thúy Vân và Vương Quan), hay chỉ kể là một (Vương Quan, vì Thúy Vân được giới thiệu ở sau là em dâu), thì rốt cuộc, trong văn bản ở câu Kiều cũng chỉ có năm người ở dạng hiển. Chính vì vậy mà trong cuốn “Từ lẩy Kiều, đố Kiều…” của Phạm Đan Quế (NXB Văn Học năm 2000, trang 20) chỉ thấy ghi câu đố (*)

Đố đáp ở (*) là hoàn toàn chính xác. Nhưng theo chúng tôi, đố đáp mà chính xác rõ ràng thế thì nhạt lắm. Có thể không chính xác lắm, chỉ cần một logic hình thức hết sức “chày cối” mà người ta phải chịu kia mới vui, mới hay. Giải trí mà lại! Riêng tôi, tôi vẫn thích câu đố (**) hơn. Theo chúng tôi, có nhiều cách giải thích câu đố này:

Cách 1:

– “Câu sáu người” phải hiểu là câu có nhắc đến sáu người.

– “Này chồng…em dâu” phải đọc là: Này chồng Thúy Kiều, …., này em dâu Thúy Kiều!

Như vậy rõ ràng là có sáu người được nhắc đến. Tức là phải kể thêm cả Thúy Kiều.

Cách 2:

– “Câu sáu người” hiểu là câu diễn ra giữa sáu người

– “Này chồng… em dâu” là câu chuyện giữa năm người và vãi Giác Duyên là sáu người cả thảy. Tức người thứ sáu phải kể thêm vãi Giác Duyên.

Các cách lý giải khác xin nhường cho bạn đọc yêu câu đố.

Đố theo (**) vui hơn vì nó có cái để mà bàn, có cái để mà sai (!) trong lúc chơi để cho vui. Và vì vậy có thể nêu câu đố

Đố:

Truyện Kiều anh thuộc đã làu
Đố anh đọc được một câu bẩy người

Đáp:

Này chồng, này mẹ, này cha
Này là em ruột, này là em dâu

Trong trường hợp này, “câu bảy người” phải hiểu là có liên quan đến bảy người và câu Kiều trong đáp án là câu diễn ra giữa sáu người để bàn bạc về Thúy Kiều, tức là có liên quan đến bảy người.

Còn có một câu đố vô lý hơn nữa:

Đố:

Truyện Kiều anh thuộc đã làu
Đố anh đọc được một câu tám người

Đáp:

Vợ chàng quỷ quái tinh ma
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau

Ta thấy cả quỷ, ma… đều được đếm là “người”!

Một giai thoại kể rằng một ông đồ xứ Bắc đố ông đồ xứ Nghệ:

Truyện Kiều anh đã thuộc làu
Đố anh đọc được một câu… bốn con khỉ

Ông đồ Nghệ Tĩnh quê Nghi Lộc, đồng hương với Nguyễn Du, từng tự hào có thể đọc xuôi đọc ngược truyện Kiều mà nghĩ mãi không biết câu nào, đành chịu thua. Ông đồ xứ Bắc mới mở truyện Kiều ra và chỉ vào câu

Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày

Ông đồ xứ Nghệ dương mục kỉnh nhìn đi nhìn lại rồi nói: “Có con khỉ nào đâu?”. Ông đồ xứ Bắc giục “Thì ông cứ đọc to lên đi!” Vì giọng Nghi Lộc các thanh không và thanh bằng đều đọc ra thanh hỏi nên mọi chữ “khi” đều đọc thành “khỉ”. Ông đồ xứ Nghệ biết mình bị lỡm nhưng cũng rất thú vị khen bạn thạo Kiều mà lại thông minh hóm hỉnh.

Cũng còn một kiểu đố khác, “dân dã” hơn

Đố: Kiều mắc bệnh gì?
Đáp: Kiều mắc bệnh bạch tạng: Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Da mà trắng hơn tuyết thì bạch tạng là cái chắc!

Đố: Câu nào tả Kiều táo bón?
Đáp:

Dùng dằng khi bước chân ra
Cực trăm ngàn nỗi, “rặn” ba bốn lần!

Ở đây chữ “dặn” được đọc trớ đi thành chữ “rặn”. Rặn ba bốn lần mà không được, tốt nhất là dùng thuốc xổ.

Đố: Kim Trọng bị táo bón ở đoạn nào?
Đáp:

Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày

Cũng nên dùng thuốc xổ đi thôi!

Đố: Kiều đi đái chỗ nào
Đáp: Kiều đái chết cỏ

Xè xè nắm đất bên đàng
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

Đố: Kiều “dính bầu” chỗ nào?
Đáp: Thất kinh nàng chửa, biết là làm sao! (ở đây do di chuyển vị trí dấu phẩy nên nghĩa khác đi)

Đố: Kiều có khiếm khuyết gì về nhan sắc?
Đáp: Kiều bị sứt răng cho nên mới sợ hở môi ra những thẹn thùng
Cái dí dỏm ở câu này là Nguyễn Du thì dùng lối hoán dụ, một phương pháp mỹ từ: “hở môi” là thổ lộ, là nói ra. Thành ngữ cũng có câu là “không dám hé răng” vì khi nói, phải hở môi hay hé răng để phát âm. Người ra câu đố lại dùng nghĩa đen: Hở môi mà thẹn thùng thì ắt hẳn là sứt răng rồi.

Đố: Tại sao người ta nói Kiều từng làm nghề tráng gương?
Đáp:

Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Làm gương cho khách hồng trần thử soi

Đố:

Kim Kiều có phải công nhân
Xưa kia từng đã góp phần đấu tranh?

Đáp:

Kim Kiều chính cánh thợ ta
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ

Ở đây đã sử dụng nghệ thuật chơi chữ: Theo Hán văn cầm là đàn cầm, sắt là đàn sắt, cùng là nhạc cụ gắn bó như vợ chồng . Cầm với kỳ (cờ) là các thú chơi “lân bang “ với nhau như bè bạn. Nên tình cầm sắt là tình vợ chồng, còn tình cầm kỳ là tình bè bạn. Nhưng trong câu đố này lại sử dụng nghĩa chữ Việt cầm là cầm nắm, sắt là các dụng cụ bằng sắt như cờ lê, mỏ lết, kìm, búa…

Đố: Kiều đau bụng ở chỗ nào?
Đáp: Kiều bị đau bụng, muốn “đi ngoài”, trời thì tối, cầu tiêu thì xa (kiểu cầu cá ở miền Tây), mà Kiều lại sợ ma:

Hở ra luống những thẹn thùng
Để lòng thì lại cực lòng lắm thay
Một mình lưỡng lự canh chày
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!

Đố: Kim Trọng làm nghề gì?
Đáp: Kim Trọng tốt nghiệp sư phạm ra dạy mẫu giáo:

Đề huề lưng túi gió trăng
Sau lưng theo một vài thằng con con

(Học lực Kim Trọng hơi yếu, phải lưu ban nhiều năm, nên nhiều tuổi hơn Kiều mà lại học cùng Vương Quan) “Túi gió trăng” là túi thơ vì xưa kia thơ ca hay vịnh tả về trăng về gió. Bác Hồ có viết: Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp / Mây gió trăng hoa tuyết, núi sông… Trong câu giải đáp này “Túi gió trăng” là túi xách đựng sách học vần vỡ lòng vì trong đó có in nhiều thơ của Phạm Hổ, Định Hải, Trần Đăng Khoa…

Các câu đố Kiều như vậy đôi khi có vẻ nôm na, thậm chí tục tĩu, nhưng không hề làm giảm tình cảm của mọi người (đặc biệt là người lao động) đối với truyện Kiều và Nguyễn Du. Bởi lẽ, như một nhà văn nào đó đã nói đại ý: Chính những truyện cười về Anh-xtanh còn làm ông nổi tiếng hơn cả thuyết tương đối!

Có thể nói truyện Kiều là nguồn cung cấp vô tận các câu đố. Tất nhiên là để giải trí. Song đôi khi cũng có những phát hiện bổ ích. Tôi nhớ có lần nhà thơ Kim Chuông có đố: “Ai đa tình nhất trong truyện Kiều?” Mọi người còn dồn ý nghĩ về phía Thuý Kiều, Thúc Sinh, Từ Hải… , thì Kim Chuông đưa đáp án: “Đó là người khách viễn phương đã lo chôn cất Đạm Tiên”. Càng nghĩ càng thấy đúng. Điều lạ lùng là (theo Kim Chuông) đáp án ấy lại của một người phương Tây nghiên cứu truyện Kiều!

Bài viết liên quan

Để lại bình luận