Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam

bởi Đặng Hấn
735 views

12. Thơ đố – chân dung

“Thơ chân dung” là loại thơ dùng tên các tác phẩm tiêu biểu của một tác giả nào đó để viết thành một bài thơ ngắn gọn qua đó nói được những nét đặc trưng về cuộc đời về cá tính, về nghề nghiệp và xuất thân, về những thành tựu, những cống hiến của người đó.

Câu đố dùng thơ chân dung đã có từ lâu, ví dụ câu đố về nhà thơ Tương Phố:

Chẳng có đỗ cũng thành tương
Cũng mang ra khắp phố phường
Thu về nuớc mắt dòng dòng
Có chồng rồi lại mất chồng như chơi
Gió mưa sông núi sụt sùi
Thế nhân quên cả giọng cười Xuân Hương.

Hoặc câu đố về Tản Đà:

Cái ấm còn cả nguyên vòi
Bày bán chợ đời chỉ thấy người coi
Nếu đem lên bán chợ trời
Mấy nàng tiên nữ cũng cười không mua
Hỏi sao người đẹp ỡm ờ
Thì ra là những tiên cô tiên khồng

Chúng ta thấy những bài thơ đố như vậy thực ra cũng chưa được hay, chưa được suôn sẻ cho lắm.

Khi nữ sĩ Anh Thơ lấy chồng là bác sĩ, Nguyễn Bính có bài thơ mừng khá hóm hỉnh. Nếu đem làm bài thơ đố về sự kiện hoặc để bạn đọc đặt tên bài thơ như chúng tôi vẫn làm trên Tài Hoa Trẻ thì chất lượng hơn những bài trên rất nhiều:

Những tưởng trăm năm đến chết thèm
Ai ngờ chấm hết chuyện ăn khem
Bài thơ kẹp chặt vào đơn thuốc
Hũ mực phun đầy cả ống tiêm
Chị sắp lên râu làm chức mẹ
Anh mà xuống nuớc đóng vai em
Bấy lâu bịt chặt lầu thơ lại
Kìa bức-tranh-quê đã vén rèm!

Thơ chân dung viết rất khó bởi lẽ ngoài văn tài ra, tác giả lại phải hiểu rõ người mình định mô tả, đọc nhiều sáng tác của họ. Hơn thế nữa, người đọc cũng phải biết xuất xứ những điều mà người làm thơ viết ra thì mới cùng đồng cảm mà thấy cái hay.

Trên Tài Hoa Trẻ chúng tôi cũng đã giới thiệu nhiều bài thơ học theo kiểu đó. Có đôi bài chúng tôi thấy tạm vừa lòng. Ví như bài thơ về Nguyễn Đình Chiểu:

Mắt lòa lòng rạng sáng ngời
Thuyền văn chở đạo, biển đời bao la
Đâm gian tà, bút chẳng tà
Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương.
Hoặc bài về Lê Anh Xuân:
Bồn chồn nghe sấm nhớ mưa
Nghe gà gáy nhớ hoa dừa trước sân
Trở về giữ – đất, hiến thân
Tên anh: dáng đứng Mùa Xuân – Con đường.

Khá nhiều bài viết khác, thực ra mới chỉ ở mức độ ghép tên các tác phẩm thành một bài có nghĩa, có vần với đôi nét vui tếu để qua đó độc giả nhận được ra người mình định giới thiệu mà thôi, mặc dù chúng tôi đã rất cố gắng với tất cả tấm lòng quý yêu và trân trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến, sửa chữa (xem “Chân dung nhà văn”, tập thơ – câu đố của Đặng Hấn – NXB Thanh Niên 2002)

Bài viết liên quan

Để lại bình luận