Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam

bởi Đặng Hấn
737 views
Câu đố dân gian Việt Nam

Câu đố dân gian Việt Nam (hình minh họa, nguồn: Internet)

Vài cảm nhận về thể loại câu đố dân gian Việt Nam

Lời mở đầu

Trong một thời gian dài trước đây, các nhà sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam hầu như không chú ý đến thể loại câu đố. Điều đó có thể có hai nguyên nhân:

– Nguyên nhân chủ quan từ phía bản thân câu đố: Câu đố thường được sử dụng trong các sinh hoạt của nhân dân lao động. Đa phần lại được ứng tác tại chỗ. Người ứng tác cũng không có ý định ghi lại để lưu danh. Vì vậy, tất nhiên chất lượng nghệ thuật của nó phần nhiều là chưa đạt được tới mức tinh khéo.

Đứng trước thực tế đó, những người sưu tầm và nghiên cứu có thể có hai cách ứng xử: Một số coi thường tất cả. Cách ứng xử đó đương nhiên là có hại đến việc duy trì và phát huy thể loại này. Một số khác lại quá coi trọng tính đầy đủ và tính nguyên gốc “dân gian” của nó nên sưu tầm tất cả thượng vàng hạ cám. Có nhiều câu quá ngô nghê vớ vẩn cũng ghi chép lại. Việc đó cũng làm cho người thưởng thức câu đố chán nản, còn người nghiên cứu cũng chẳng được lợi ích gì ngoài việc muốn kết luận rằng: “Câu đố là thể loại văn học dở như thế đấy!”. Tỷ dụ như đố về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu:

Quyết tâm rửa sạch quân thù
Ô hô cặp mắt công phu lỡ làng

Hay câu đố:

Biết rằng nàng đã đổi lòng
Cớ sao anh vẫn đèo bòng nâng niu

Và trả lời là Khổng – Minh tức là không rõ ràng (!). Những câu như vậy không thể có cách gì tìm thấy một chút nghệ thuật. Cụ Nguyễn hay ông Khổng sống lại chắc cũng phải đỏ mặt vì giận. Hay câu đố:

Em ngồi trên mũi ghe lê
Chớ chi anh đặng ngồi kề một bên

Và trả lời là “bánh ướt” với lý giải: câu 2 biểu thị một điều ước mà ước với ướt chỉ là một (!?). Đúng là muốn nói gì thì nói! Sướng thật! Nếu không có lời giải của người đố, không ai có thể trả lời được dù kiến thức có uyên thâm và hiểu biết thực tế có rộng rãi đến mực nào. Thậm chí người càng hiểu biết nhiều càng chịu chết! Thế mà có nhà sưu tầm đã ghi chép được cả ngàn câu đố đại loại như vậy. Đúng là “yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau!”. Bằng ấy câu đố dở được ghi lại là một bằng chứng xác đáng để gạt bỏ câu đố ra ngoài văn học còn gì!

Lẽ ra, theo ý chúng tôi, cần có sự lựa ra những câu đạt chất lượng tới một mức nào đó, ngoài ra cũng nên bỏ công “nhuận sắc” thêm khi cần thiết. Đâu phải vì tôn trọng tính “dân gian” mà phải tôn trọng cả những sự ngô nghê, miễn là ta giữ được cái cốt lõi, cái đặc thù của câu đố đó. Thơ Bút Tre, thơ Hồ Xuân Hương… rất có thể có công đóng góp thêm của nhiều thế hệ. Thí dụ câu đố về chữ “ÁO”:

Còn sắc thì mặc cho sang
Mất sắc về làng thả rau, nuôi cá!

Ba bốn cuốn sách đều ghi như vậy. Câu thứ hai nếu viết lại: Mất sắc về làng nuôi cá, thả rau thì suôn hơn và đâu có mất gì nguyên gốc. Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ.

– Lý do thứ hai là lý do khách quan từ phía các nhà nghiên cứu và thưởng thức câu đố. Câu đố thường được viết dưới dạng những câu văn vần cho dễ nhớ, dễ truyền miệng cho nhau. Có thể vì vậy mà người ta nhầm với thể loại thơ và ca dao, từ đó cho rằng câu đố là loại thơ dở. Mà đã dở thì lưu truyền làm gì. Câu đố là câu đố! Câu đố quyết không phải là thơ dở! Cũng như cách ngôn không phải là thơ dở. Rất nhiều cách ngôn hay, có giá trị và những tác giả của nó thường là các văn hào, các triết gia lớn. Nhưng nếu đem tiêu chuẩn thơ để xét thì sẽ bị coi là thơ dở không chừng! Thơ cần có “từ”, có “tứ”, có “ý tại ngôn ngoại” v.v… Câu đố chính hiệu chỉ cần cung cấp những thông tin để chỉ ra tên của đối tượng được đố Xem Nguyễn Văn Trung “Câu đố dân gian Việt Nam” NXB TP. Hồ Chí Minh 1986. Với góc độ toán học có thể xem câu đố như một phương trình và nghiệm số của nó (nếu có) cũng không nhất thiết phải mang một ý nghĩa nào. Người sáng tác câu đố hoàn toàn không có ý định làm câu đố này để nịnh bợ ai hoặc làm câu đố kia để xỏ xiên một cá nhân nào đó! Sáng tác hay giải được câu đố cũng có cái khoái cảm như giải được một bài toán, hay nghĩ ra một thế cờ, hoặc phá được một thế cờ do người khác đề xuất. So sánh thơ với câu đố, chẳng khác nào so sánh nước mắm với bia hay rượu. Bia quyết không phải là nước mắm dở! Nước mắm quyết không phải là rượu loại tồi. Và cả bia hay rượu lẫn nước mắm, cái nào cũng cần cho đời sống. Chỉ trừ bia dở và nước mắm tồi thì không ai cần thôi. Tản Đà rất sành về rượu, nhưng ông cũng rất cầu kỳ trong việc chọn và pha chế nước mắm. Câu đố cũng có nhiều ngón nghề của nó. Ví dụ: trong khi cung cấp thông tin đồng thời cũng cung cấp nhiễu để gây rối, để đánh lạc hướng người giải đố. Giống như chuyện cười Việt Nam kể rằng:

Một chú bé rất hay nói láo. Một hôm chú ta bị đưa đi kiện. Quan xử kiện nói:
– Mày chỉ chuyên nói láo để lừa bịp người dốt nát. Có giỏi thì mày nói láo với ta đây. Nếu lừa được ta, thì ta tha tội và còn thưởng tiền cho nữa. Nếu không lừa được, thì ta sẽ cho mày tù mọt gông!
Chú bé vẻ sợ sệt, vừa thút thít khóc vừa nói:
– Thưa quan lớn, từ thuở bé đến giờ con có dám nói láo với ai đâu. Vốn là khi cha con mất đi có để lại cho con một cuốn sách ghi rất nhiều điều lạ. Trong đó có nói cả về những vị thuốc rất dễ kiếm để làm người già khỏi đau lưng, được tráng dương bổ thận… Con đem nói cho bà con. Bà con đã không cảm ơn, còn buộc tội cho con là…
Chú bé còn đang nói, thì quan đã ngắt lời
– Vậy mày hãy về đem cuốn sách ấy lại đây cho tao xem. Tao không lấy mất của mày đâu mà sợ! Nếu cần thì tao chỉ photo một bản thôi!
– Thưa quan lớn, con nói láo đấy chứ con đâu có cuốn sách đó!

Tưởng đâu đang thanh minh cho nỗi oan mà chính là đang nói láo!

Câu đố cũng vậy, đưa dữ liệu tưởng đâu rất vô lý nhưng lại rất đầy đủ để chỉ ra vật.

Người giải đố bị cuốn hút bởi tính tò mò mà dễ bị đánh lạc hướng. Nhưng khi câu đố được giải ra thì không còn thấy gì là vô lý cả. Quả là các thông tin để xác định vật đố đều đã cho đầy đủ…

Nói khác đi, câu đố cũng có những đặc trưng nghệ thuật riêng. Vì vậy số lượng câu đố hay được lưu truyền trong dân gian cũng không phải ít. Mỗi người dân ít nhiều cũng thuộc dăm bẩy câu. Nếu không hay làm sao có thể nhớ và có thể truyền nhau được. Không chỉ có những người dân lao động ít gắn bó với văn học nghệ thuật mới thấy hay. Nhiều câu hay đến mức các nhà thơ có tên tuổi cũng phải học tập. Tỷ dụ như trong bài thơ Bàn chân của nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết cho thiếu nhi:

Canh cho giấc ngủ say dần
Khi ta nằm ngủ, bàn chân lại ngồi!

Chẳng phải đã có nguồn gốc từ câu đố: Đi thì nằm, nằm thì ngồi đó sao? Nhưng đó mới chỉ là thơ cho thiếu nhi. Trong bài thơ trữ tình được xếp loại xuất sắc, được đưa vào giáo khoa văn học là Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy có câu:

Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.

Đọc lên ai chả thấy cái gốc của nó là câu đố Con đóng khố – Bố cởi truồng! Cặp lục bát trên và sáu chữ của câu đố ai dám quả quyết đằng nào là hay hơn?

Bài viết liên quan

Để lại bình luận